Nhiều lễ hội truyền thống được tái hiện tại Hà Nội
Cập nhật: 01/07/2014
(TITC) - Trong khuôn khổ chương trình “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ngày 29/6/2014, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được tái hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thủ đô và du khách. Trong đó, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi và lễ hội cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng là 2 lễ hội nổi bật nhất.

Màn tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do đoàn bô lão, ngư dân huyện Lý Sơn và huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thực hiện. Đây là lễ hội độc đáo thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh trong quá trình khai thác hải vật và dựng bia chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tái hiện theo đúng các nghi thức truyền thống được lưu giữ từ hàng trăm năm trước gồm 2 phần, trong đó phần lễ có lễ yết, lễ tế chánh điện, lễ tế ngoại đàn, lễ thế lính, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng… với lễ vật cúng tế là linh vị, thuyền khao lề, heo, gà, xôi, hương, hoa quả... Sau khi thầy pháp thực hiện lễ cáo các vị tiền hiền, cúng giỗ cho những người lính Hoàng Sa không trở về và nguyện cầu chư vị tiền hiền chở che cho những người sắp ra khơi được bình an, sóng yên biển lặng, các bô lão tiếp tục thực hiện lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa.

Phần lễ kết thúc, phần hội bắt đầu với điểm nhấn là hội hát Bài chòi. Đây là trò chơi nghệ thuật dân gian tiêu biểu của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân tại các đình làng hoặc trong dịp lễ hội. Nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú và hào hứng khi được cầm những quân bài trong tay và lắng nghe những điệu hát, lời ca dí dỏm của những người chủ trò.

Lễ hội cầu ngư (còn gọi là lễ tế ngư thần) là sinh hoạt văn hóa lớn nhất của cộng đồng cư dân làm nghề biển ở thành phố Đà Nẵng nhằm cầu xin Ngư Ông - cá voi ban cho được mùa và bình an trong suốt hành trình đi biển. Đan xen với phần tế cá Ông là các sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống như: hát bả trạo, hát hò khoan đối đáp, đua ghe...

Lễ hội cầu ngư đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá cộng đồng hàm chứa những giá trị  nhân văn, tinh thần hướng biển của ngư dân. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin để bước vào vụ mùa mới. Lễ hội cầu ngư còn là dịp để cộng đồng cư dân miền biển tri ân các thế hệ tiền nhân - những người có công trong việc phát triển nghề cá.

Việc tái hiện các lễ hội truyền thống đã được Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em thực hiện thành công trong nhiều năm qua với sự hưởng ứng nhiệt tình và phối hợp hiệu quả của các địa phương. Đây là hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chính sách đại đoàn kết các dân tộc.

Phạm Phương