Khôi phục lại Lễ dựng và lễ hạ cây nêu ngày Tết
Cập nhật: 07/02/2013
Ngày 3/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, đã tổ chức lễ dựng cây nêu ngày Tết. Đây là phong tục đẹp và giàu ý nghĩa của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Lễ dựng cây nêu được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cùng cán bộ thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống của người Kinh vào dịp lễ tiễn Táo quân lên trời. Mọi người trang trí cây nêu, treo hai câu đối của GS Vũ Khiêu gửi cho Ban Tổ chức lên cây nêu: Tổ quốc đại thành công/Gia đình đại đoàn kết; Gắn bó anh em vì đất nước/Nêu cao khí phách giữa trời xanh.  

Ban Tổ chức chia sẻ: “Tại miền Bắc, cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa sẽ vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Nguyên khởi cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, nhưng theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời, do tín ngưỡng thờ thần mặt trời của các dân tộc từ thời cổ xưa, hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt”.  

Khôi phục Lễ dựng cây nêu chính là tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc.  

Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động của ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013 với ý nghĩa mong muốn đồng bào các dân tộc chào đón năm mới Quý Tỵ an khang, thịnh vượng. Theo đó, Lễ hạ cây nêu sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 20/2).

CINET