Đêm Ca trù đàn hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức
Cập nhật: 15/06/2012
Tối 13/6, tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Ca trù Khâm Thiên - Hà Nội xưa đã có buổi trình diễn Ca trù hát khuôn cùng các truyền nhân.

Bà Phó Thị Kim Đức là một bậc thầy lớn của cổ nhạc Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nổi tiếng của nghệ thuật Ca trù (cụ thân sinh ra bà là quản ca của giáo phường Khâm Thiên – Hà Nội xưa), học hát từ năm 7 tuổi, đi hát Ca trù từ năm 13 tuổi, bà cũng là một danh ca hát chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam.  

Sau khi về hưu, bà đã dành nhiều năm tháng để nghiên cứu các bài bản ca múa nhạc của nghệ thuật Ca trù, đúc kết thành khuôn mẫu và đã tổng kết thành một giáo trình sư phạm âm nhạc hoàn chỉnh của nghệ thuật này. Phương pháp sư phạm của bà đã cho phép các thế hệ học trò tiếp thu và gìn giữ nghệ thuật ca trù trong vẻ đẹp thuần khiết, cổ kính của nó.  

Cùng biểu diễn với nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú Phó Thị Kim Đức trong đêm Ca trù hát khuôn là các kép đàn, ca nương, quan viên là học trò của bà như: Kép đàn, nghệ sỹ ưu tú Đặng Công Hưng (Nhà hát Chèo Việt Nam); đào nương, nghệ sỹ ưu tú Đoàn Thanh Bình (Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam; kép đàn, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Xuân Hoạch (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam); quan viên Đàm Quang Minh, 2 ca nương trẻ là Phó Hà My, Nguyễn Khánh Linh...    

Trong chương trình, nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú Phó Thị Kim Đức cùng các học trò sẽ trình bày một số nhạc phẩm đặc sắc ở nhiều thể thức khác nhau của Ca trù. Đó là bài Ca trù thể hát nói "Hồ Tây" (lời thơ Nguyễn Khuyến); "Tràng An hoài cổ" (lời thơ Nguyễn Công Trứ); Ca trù thét nhạc "Tiếng dương tranh"; Ca trù "Tỳ bà hành"...  

Ca trù hay còn gọi là hát ả đào là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Ca trù là một vốn quý trong tài sản văn hóa truyền thống Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dựa vào quy luật và kỹ thuật đặc thù, các nghệ sỹ, nghệ nhân Ca trù đã dùng cung đàn, khổ phách và giọng hát chuyển hóa những lời thơ thành âm nhạc.

ĐCSVN