Quảng Nam: Lễ hội đâm trâu hoa Làng Ông Tía
Cập nhật: 14/03/2010
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khởi nghĩa vũ trang Làng Ông Tía (13/3/1960-13/3/2010), Lễ hội đâm trâu hoa đã được long trọng tổ chức tại Nhà rông thôn (thôn 6, xã Phước Trà, huyện hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).

Lễ hội đâm trâu hoa được tổ chức theo đúng nghi lễ của người dân bản địa. Đã từ nhiều tháng trước, buôn làng cử người đi tìm chọn mua trâu đực, loại trâu cực kỳ khỏe mạnh và sung sức, đưa về chăm bẵm để chọn ngày làm lễ.

Đúng 8 giờ sáng ngày 12/3, cây nêu dài 9m có trang trí hoa văn đẹp mắt đã được dựng lên ngay trung tâm sân nhà rông thôn 6 Phước Trà sau khi cúng thần nước, thần đất, cúng đường nơi con trâu đã đi qua.

Sau phần làm lễ kỷ niệm là đến màn múa hát, đánh cồng chiêng chuẩn bị đâm trâu. Gần 100 người bao gồm già trẻ, gái trai trong làng với trang phục dân tộc Cadoong xếp thành vòng tròn quanh cây nêu đã cột con trâu làm lễ.

Với sự hỗ trợ về tinh thần của người dân bên ngoài, đội cồng chiêng, ca vũ nhảy múa xoay vần quanh cây nêu khoảng một giờ đồng hồ với vẻ mặt vui tươi. Để tiếp thêm sức mạnh, có hai người đàn ông chạy trong vòng tròn và thỉnh thoảng đưa đến tận miệng những người tham gia nhảy múa một chén rượu bất kẻ già trẻ, gái trai.

Sau phần nhảy múa, đánh cồng chiêng là phần đâm trâu. Đây là nghi thức quan trọng nhất, linh thiêng nhất. Người được chọn đứng ra đâm trâu là một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh và có uy tín với dân làng.

Với cây giáo tự chế trong tay, chàng trai Cadoong đã hạ gục chú trâu bằng hai nhát đâm vào phía sau chân trước của con trâu. Trước khi trâu gục hẳn, những trai tráng khỏe mạnh đã cố sức “lái” cho đầu trâu nằm phục xuống và hướng về phía cây nêu trong tiếng vỗ tay, la ó, reo hò vang dội của đông đảo buôn làng.

Sau khi con trâu đã chết hẳn, trai tráng có nhiệm vụ xẻ thịt trâu và phần chia thịt cho dân làng do các già làng đứng ra phân xử để đảm bảo nhà nào cũng có phần thịt trâu trong lễ hội.

Ông Trần Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Hiệp Đức cho biết, lễ đâm trâu cúng trời đất của người dân bản địa tại đây diễn ra khoảng năm năm một lần. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào vùng cao Quảng Nam đồng thời là dịp để đồng bào giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm vốn sống, vốn văn hóa giữa các bản làng nhằm tăng thêm mối đoàn kết giữa các thôn, nóc...
VietnamPlus