Đà Nẵng: Làm gì để phát triển tài nguyên du lịch về nguồn?
Cập nhật: 01/04/2024
Trên bản đồ thành phố Đà Nẵng, các điểm đến văn hóa - lịch sử trải dài, phân bố đa dạng từ trung tâm đến ngoại ô, được đánh giá là dư địa giá trị cho phát triển du lịch nói chung, trong đó có du lịch về nguồn. Tuy nhiên để khai thác nguồn tài nguyên này hiệu quả cũng cần phải lưu tâm.

Học sinh tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5. Ảnh: Non Nước Việt

Phong phú nhưng chưa đổi mới

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nhìn nhận tài nguyên du lịch về nguồn mang giá trị văn hóa - lịch sử ở Đà Nẵng rất phong phú với các thiết chế văn hóa, công trình, danh thắng… trải dài tại các địa phương. Trong đó, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5, Nhà trưng bày Hoàng Sa hay các hệ thống đình làng, công trình mang dấu ấn xa xưa… cũng có thể coi là địa chỉ du lịch về nguồn. Các điểm đến văn hóa - lịch sử từ trung tâm Hải Châu đến Hòa Vang là dư địa tốt để các đơn vị lữ hành khai thác.

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2010 và là điểm sáng của du lịch về nguồn, Khu căn cứ cách mạng K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) - biểu tượng tinh thần cách mạng bất khuất, kiên cường của nhân dân Đà Nẵng dần trở thành điểm đến thân quen của nhiều đoàn khách trong những năm qua. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn (đơn vị quản lý trực tiếp di tích K20), địa chỉ đỏ này đón gần 5.700 lượt khách trong năm 2023 và hơn 3.700 lượt khách trong 3 tháng đầu năm 2024. Khách đến đây chủ yếu là các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn và một số địa phương khác. Di tích này được nhiều đơn vị lữ hành chọn làm điểm đến cho các tour liên kết với trường học để đưa học sinh, sinh viên đi tham quan, học tập ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề.

Là đơn vị thường tổ chức các tour về nguồn tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Non Nước Việt xây dựng danh sách điểm đến về nguồn đa dạng cho khách lựa chọn. Công ty có 2 nhóm khách chính, trước hết là các hội, đoàn thể, đơn vị địa phương trong và ngoài thành phố; tiếp đó là học sinh các trường. Theo ông Nguyễn Hữu Duy Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Non Nước Việt, hoạt động du lịch về nguồn, sinh hoạt chuyên đề thường là kế hoạch thường niên của các đơn vị, hội đoàn thể, trường học...

Với tính chất này, du lịch về nguồn sẽ có một nguồn khách ổn định. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành và điểm đến sẽ luôn được hưởng lợi với nhóm khách này. Các điểm đến cũng thường xuyên được trùng tu, bảo đảm hoạt động, đa dạng về số lượng, tuy nhiên chưa nhiều đổi mới trong hoạt động trải nghiệm, giới thiệu với du khách. “Xu hướng du lịch về nguồn của khách đã có sự chuyển dịch, không chỉ dừng ở các điểm đến trong thành phố mà đã mở rộng ở các địa phương khác. Nhóm du khách nào cũng có xu hướng cần sự mới lạ, phong phú trong các tour tham quan, ở bất kỳ đâu. Nếu năm nào khách cũng đến các điểm về nguồn đó, tham quan chút rồi đi thì chuyến đi chỉ còn mang tính phong trào, không có nhiều điều đọng lại”, ông Vũ chia sẻ.

Kết nối và đa dạng trải nghiệm để thu hút khách

Những chia sẻ của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cũng là câu chuyện chung về nguồn tài nguyên du lịch về nguồn ở Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Hữu Duy Vũ, trước hết cần có sự bắt tay, đồng bộ giữa đơn vị quản lý, các cơ quan văn hóa - du lịch với đơn vị khai thác tour để làm mới hình ảnh điểm đến, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách ở điểm đến. Các doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng ngồi lại chia sẻ giải pháp cùng cơ quan quản lý. Đó chính là sự kết nối.

Đề cập câu chuyện thu hút khách và phát triển điểm đến du lịch về nguồn, ông Lê Ngọc Nhất, Phó trưởng Ban quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Tổ trưởng Tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20 cho hay, đơn vị đang đẩy mạnh việc lồng ghép, xúc tiến quảng bá hình ảnh di tích này ngay tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn; mời các đơn vị lữ hành tham gia khai thác điểm đến. Ngoài ra với chủ trương phát triển du lịch đường thủy nội địa với tuyến Cảng Sông Hàn - Bến thủy nội địa K20 (X5)/Bến thủy nội địa Chùa Quán Thế Âm (X6) và ngược lại sẽ là cơ hội để đón thêm nhiều du khách đến với di tích K20 nói riêng, Ngũ Hành Sơn nói chung.

“Chúng tôi mong muốn dự án đầu tư phát triển du lịch Khu căn cứ cách mạng K20 đã được thành phố phê duyệt được đẩy mạnh triển khai để có thêm sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, trong đó sớm khôi phục địa đạo Xóm Đồng dài 70m để thêm trải nghiệm. Dự án sẽ hoàn thiện điểm đến tham quan, gắn liền với Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và kết nối khai thác với các tuyến đường du lịch trên bộ, trên sông nhằm thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Nhất cho biết.

“Kết nối” có thể được coi là từ khóa để phát huy giá trị những tài nguyên du lịch về nguồn trên địa bàn thành phố. Cùng quan điểm, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, tùy vào đối tượng khách và nhu cầu của họ mà ngành du lịch và các đơn vị liên quan phối hợp, khai thác nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử ở địa phương cho phù hợp. Trong đó, các điểm đến có thể được liên kết thành một tour vòng quanh thành phố trên tinh thần “thuận buồm xuôi gió”. Những điểm đến có thể phát triển thành tour du lịch kết nối, một lộ trình vòng tròn có thể xuất phát từ Hải Châu qua các địa phương khác rồi lại dừng ở Hải Châu để giới thiệu cho du khách về hình ảnh một Đà Nẵng đầu biển, cuối sông với bề dày lịch sử như thế nào”, ông Thiện chia sẻ.

"Du khách có thể kết hợp tham quan các bảo tàng, Thành Điện Hải, ghé chợ Hàn, đình làng Hải Châu, Nghĩa trủng Phước Ninh, ngôi nhà địa chỉ đỏ 52-54 Trần Bình Trọng (quận Hải Châu). Từ đây có thể di chuyển qua Thanh Khê thăm Di tích nhà mẹ Nhu, đình Thạc Gián, Lăng Ông làng Thanh Khê…; rồi từ cung đường biển Nguyễn Tất Thành mà ghé Liên Chiểu thăm bãi biển Xuân Thiều - nơi quân Mỹ đổ bộ Đà Nẵng lần đầu tiên vào ngày 08/3/1965; thăm làng di sản Nam Ô, thăm di tích quốc gia Hải Vân quan và Khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước… Trong khi đó, địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ cũng dày đặc hệ thống điểm đến: Di tích Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, đồi Trung Sơn, Đình làng Túy Loan, Trường Tiểu học An Phước, Bia chiến tích Gò Hà, Nghĩa trủng Khuê Trung, Di tích Chăm Phong Lệ, hệ thống nhà cổ… Trong khi Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà có cung đường với những làng đá Non Nước, sân bay Nước Mặn, K20, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Lăng Ông…" 

 Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện

Xuân Sơn

Báo Đà Nẵng - baodanang.vn - Đăng ngày 30/3/2024