Đồng Tháp: Trăm năm làng nghề dệt choàng
Cập nhật: 15/03/2024
Một chiều tháng 3, chúng tôi trở lại cù lao Long Khánh ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Vẫn tiếng máy dệt lạch cạch đều đều, vẫn những người con của vùng đất cù lao dệt nên những chiếc khăn choàng (còn gọi là khăn rằn) độc đáo. Thăng trầm, vui buồn và cả sự cơ cực, nhưng bà con vẫn một lòng với nghề để làng nghề hơn trăm năm tuổi này được “đánh thức”, đi theo một hướng mới…

Ông Bảy Nghề trình diễn dệt khăn choàng bằng tay tại Long Khương Miếu, di tích lịch sử cấp tỉnh ở Đồng Tháp.

Về Làng dệt choàng Long Khánh (ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự), chúng tôi được gặp một trong những người con đặc biệt của xứ cù lao là ông Huỳnh Hữu Hiệp, 74 tuổi, tên thường gọi là ông Bảy Nghề.

Thuở trai tráng, Bảy Nghề chuyên làm rẫy. Một hôm cùng bạn qua làng bên chơi, tình cờ gặp cô thôn nữ cùng tuổi tên là Lê Thị Liên ngồi bên khung dệt choàng, Bảy Nghề đem lòng thương nhớ. Ở tuổi 26, hai người nên duyên chồng vợ. Cũng do yêu thích nghề dệt choàng mà năm 28 tuổi, Bảy Nghề về ở hẳn bên nhà vợ. Sau hơn hai tháng được vợ truyền nghề, anh bỏ lại phía sau những vụng về lúc đầu, dần thành thạo với khung dệt tay đã được gia đình sử dụng qua nhiều thế hệ…

Ông Bảy Nghề cho biết: Những năm từ 1980-1990, khăn choàng “bán đắt như tôm tươi”. Đến mùa thu hoạch lúa, thương lái khắp nơi đặt mua để bán lại cho nông dân dùng trong lúc đi cắt lúa. Từ năm 1991-1993, thị trường ế ẩm, nguyên liệu dệt khăn choàng giá lại cao, có khi sản phẩm bán ra bị lỗ. Vậy nhưng bà con xóm dệt khi ấy vẫn đeo bám nghề và đã được đền đáp.

Năm 1994, xóm dệt choàng ngày xưa “trở lại” mạnh mẽ hơn. Những chiếc khăn choàng lại được chở đi khắp nơi, có ngày thợ dệt phải làm việc đến chạng vạng. Năm 2004, lần đầu làng nghề xuất hiện khung dệt máy. Lúc này chưa có điện lưới quốc gia, để có điện, 5 khung dệt đầu tiên phải dùng máy nổ để phát điện. Do giá máy dệt quá cao, một phần cũng muốn tận dụng máy dệt tay ngày trước, mãi đến năm 2014 ông Bảy Nghề mới mua máy dệt. Lúc này, con gái ông hướng dẫn ông cách dệt máy.

Mười năm sau đó, ông Bảy Nghề và bà con Làng nghề dệt choàng vui mừng khôn tả khi nghề thủ công truyền thống - nghề dệt choàng xã Long Khánh A trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vào chiều 27/2/2024, huyện Hồng Ngự tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh (ấp Long Tả, xã Long Khánh A), bà con càng thêm phấn khởi.

Đến với Làng nghề dệt choàng Long Khánh, du khách được trải nghiệm khu phục dựng quy trình sản xuất của làng nghề, trưng bày và bán các sản phẩm từ làng nghề dệt choàng, ẩm thực chợ phiên làng nghề, sản phẩm OCOP địa phương (tại di tích Long Khương Miếu, ấp Long Tả, xã Long Khánh A). Du khách cũng được xem trình diễn các công đoạn nghề dệt choàng và trải nghiệm cùng các nghệ nhân. Huyện Hồng Ngự chủ trương đầu tư nâng cấp Nhà trưng bày, hàng rào Long Khương Miếu - di tích lịch sử cấp tỉnh; bến tàu du lịch quốc tế tour sông Mê Công đến làng nghề dệt choàng hơn trăm năm tuổi…

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bảy Nghề tâm sự, gia đình ông có người theo nghề dệt choàng từ năm 1920. Ông bà, cha mẹ và vợ ông không còn, đến nay, ông và con gái vẫn bám nghề, một phần vì mưu sinh và một phần vì yêu nghề không thể bỏ.

“Làng nghề này không đơn thuần chỉ là một cái nghề, ở đây còn cả câu chuyện của trăm năm, của những ân tình sâu nặng. Tôi muốn du khách tìm về làng nghề để biết sự phát triển của nghề dệt khăn choàng, để cảm nhận được cái tình của bà con dành cho nghề dệt choàng”, ông Bảy Nghề trải lòng.

Hiện, làng nghề có gần 60 hộ làm nghề, 150 khung dệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Hằng năm, làng nghề sản xuất, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn năm triệu khăn choàng các loại. Bà con làng nghề không ngừng cải tiến, sáng tạo, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, được nhiều khách hàng gần xa ưa thích. Chiếc khăn choàng ngày nay không chỉ có mầu đen, mầu nâu mà còn thêu trên đó hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp (hoa sen, sếu đầu đỏ, góc trời quê…) và có cả những chiếc áo dài, áo bà ba từ chất liệu khăn choàng.

Khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi như là biểu tượng của người phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, chiếc khăn ấy được gọi là khăn choàng, vừa là sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân, vừa là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng miệt sông nước.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, ngành du lịch tỉnh đang tích cực phát huy giá trị làng nghề để giúp bà con tăng thêm thu nhập từ hoạt động du lịch, giúp cho du khách biết được giá trị của làng nghề dệt choàng trăm năm tuổi, cũng như nét đẹp tài nguyên bản địa của tỉnh Đồng Tháp.

Bài và ảnh: Hữu Nghĩa

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 10/3/2024