Bộ VHTTDL vừa có quyết định công nhận Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Múa lân - hoạt động truyền thống trong dịp Tết Trung thu ở Hội An. Ảnh: S.T
Tết Trung thu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên hay Tết thiếu nhi, bởi theo phong tục người Việt, vào dịp này, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị các mâm cỗ để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, trẻ em còn được tặng quà và tham gia các hoạt động rước đèn Trung thu, phá cỗ, xem múa lân... vô cùng náo nhiệt.
Ở Hội An, vào dịp Tết Trung thu, từ các vùng ven đến khu phố cổ, không khí lễ hội diễn ra rất sôi nổi với các sinh hoạt truyền thống. Các hoạt động tín ngưỡng bao gồm lễ bái trời đất, gia tiên, tục bày mâm cỗ thưởng trăng cho đến hoạt động lễ hội như múa lân - sư - rồng, rước đèn, ca hát... diễn ra sôi động.
Tết Trung thu được tổ chức tại hầu hết gia đình, trường học, các cơ quan công sở, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hội An với chủ thể văn hóa là cộng đồng người Hoa và người Kinh sinh sống tại Hội An.
Từ năm 2010 đến nay, chính quyền TP.Hội An thống nhất với cộng đồng người dân Hội An cùng quản lý và tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Trong đó, Tết Trung thu là một lễ hội quan trọng với nhiều thực hành văn hóa mang tính truyền thống như múa thiên cẩu, múa lân, rước đèn, bày mâm cỗ và trông trăng phá cỗ.
Đồng thời bổ sung những hoạt động hướng tới cộng đồng như vận động các tổ chức, cá nhân gây quỹ phát quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Và các hoạt động mang tính duy trì, trao truyền di sản trong cộng đồng như truyền dạy và thực hành trưng bày mâm cỗ Trung thu; truyền dạy và thi múa thiên cẩu, múa lân; truyền dạy và thi làm đầu lân, đầu thiên cẩu; truyền dạy, thực hành và thi làm đèn lồng…
Cùng với Lễ hội Tết Trung thu, Lễ hội Nguyên tiêu Hội An cũng vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xuân Hiền