Tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch tại các tỉnh: Cần Thơ – Kiên Giang – An Giang
Cập nhật: 16/06/2010
Vùng đất Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch với nhiều loại hình phong phú, đa dạng được hình thành từ quá trình khai thác đất đai sông nước phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống văn hóa vùng Cửu Long Giang.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm của miền Tây Nam Bộ, có vị trí giao thông thuận lợi, là trục động lực kinh tế của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển kinh tế cao, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối khá, rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm… Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vườn, du thuyền trên sông.

              Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)                    Biển Phú Quốc (Kiên Giang)

Kiên Giang được thiên nhiên hào phóng ban tặng với vị trí địa lý và địa hình đa dạng: đồng bằng, rừng – núi - biển - đảo, nên được coi là trung tâm du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng khu vực và quốc tế. Đặc biệt đảo Phú Quốc đang là điểm thu hút rất đông du khách trong nước và khách quốc tế. Ngoài ra, Kiên Giang còn có nhiều di tích văn hoá lịch sử, lễ hội văn hoá truyền thống độc đáo như: Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực….là những sản phẩm du lịch văn hóa đang được đầu tư khai thác phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Kiên Giang còn có vị trí thuận lợi liên kết các tour du lịch đến các nước ASEAN, nhất là Campuchia và Thái Lan.

Nhà lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (An Giang)

An Giang là tỉnh có 4 dân tộc sinh sống: Kinh – Chăm – Hoa - Khơme, vì vậy mà nơi đây đã hội tụ nền tinh hoa văn hóa độc đáo của 4 dân tộc anh em. Với An Giang là tỉnh có đặc trưng đồng bằng châu thổ, đặc biệt có hệ thống núi non hoà quyện sông nước hữu tình, rừng cây xanh ngát. Đó là dãy thất sơn hùng vĩ, quần thể di tích Núi Sam với Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng, chùa Hang với sự tích thanh xà bạch xà, Lăng Thoại Ngọc Hầu - vị công thần mở đường khai phá vùng đất phương Nam trù phú, chùa Tây An Cổ tự, nền văn minh Vương quốc Phù Nam – Óc Eo và đặc biệt là Đền thờ và khu lưu niệm cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ở Cù lao Ông Hổ bên bồ sông Hậu, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao leo núi….Ngoài ra, An Giang còn có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, với lợi thế là điểm nối của các tỉnh khu vực ĐBSCL hướng ra Campuchia, các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á trong phát triển kinh tế xã hội, là đầu mối trung chuyển khách du lịch ra biên giới và ngược lại. Trong thời gian qua, An Giang đã có những quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, thông qua việc ngành Du lịch đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, từng bước tạo mối liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Liên kết tổ chức tour, tuyến du lịch để tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của mỗi địa phương.

Cụ thể ngành du lịch địa phương đã liên kết với ngành du lịch tỉnh Takeo, Kandal, Tp. Shihanouk Ville, Thủ đô Phnôm Pênh - Vương quốc Campuchia: về việc nối các tuyến du lịch, điểm dừng chân giữa các khu du lịch, danh thắng của 02 quốc gia.

Từ đó, đã hình thành các tour ngược và xuôi dòng Mê Kông qua 02 cửa khẩu quốc tế của An Giang, kết hợp với tour nội vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Tour ngược và xuôi dòng Mê Kông (cả đường sông và đường bộ): Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc – Phnôm Pênh – Siêm Riệp - Thái Lan. Tour liên tỉnh: Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - Đồng Tháp: sự kết hợp giữa du lịch gắn liền với sông nước - núi - biển - đảo. Tour khép kín trong tỉnh: Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn - Long Xuyên - Chợ Mới.

Tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của ĐBSCL trong đó có 3 tỉnh thành Cần Thơ – Kiên Giang – An Giang còn nhiều, hiện tại từng địa phương đã và đang đầu tư xây dựng được sản phẩm du lịch đủ chất lượng để chưa thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, kể cả khách trong nước và nước ngoài. Hiện nay các tỉnh đã bước đầu liên kết các tour tuyến phục vụ du khách trên cơ sở sản phẩm du lịch hiện có và không trùng lắp và từng bước củng cố nâng cấp xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên những nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, những nét đặc sắc về văn hóa, những làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực hấp dẫn riêng biệt của ĐBSCL.

Hy vọng rằng thời gian tới ngành du lịch khu vực ĐBSCL sẽ được Tổng cục Du lịch và chính quyền địa phương các tỉnh thành trong nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tốt (mở thêm những đường bay, đường cao tốc…). Bên cạnh đó, ngành Du lịch của từng địa phương nằm trong khu vực ĐBSCL sẽ củng cố, xây dựng những sản phẩm du lịch tốt, đáp ứng được yêu cầu của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Thông qua các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn hàng năm là điều kiện để các công ty lữ hành trong và ngoài nước, các đoàn Famtrip, đoàn caravan (xe ô tô đi du lịch thành đoàn) quan tâm sẽ đến khảo sát các khu, điểm du lịch của ĐBSCL, nhằm hợp tác xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn và khai thác phục vụ du khách tốt hơn.
Báo An Giang