Thừa Thiên Huế: Áp lực phòng lưu trú dịp lễ, mùa cao điểm du lịch
Cập nhật: 11/04/2024
Đến các dịp lễ lớn như 30/4-1/5 hay mùa cao điểm du lịch nội địa, nỗi lo thiếu phòng lưu trú cho khách du lịch trở thành áp lực. Đó cũng rào cản trong việc hút khách đến với Huế.

Tư vấn cho khách về dịch vụ phòng lưu trú

Nỗi lo thiếu phòng

Cứ đến mùa cao điểm du lịch nội địa, các dịp lễ lớn dài ngày, du khách lại than khó đặt phòng lưu trú ở các khách sạn tại Huế. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, dịp lễ dài ngày như 30/4 – 1/5, chuyện khó đặt phòng ở các khách sạn lại càng phổ biến. Anh Nguyễn Hải An, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đến hè, mình hay đưa gia đình đi du lịch, nhưng đặt phòng cận ngày ở Huế rất khó, trong khi đến các địa phương khác của miền Trung thì dễ hơn”.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Century Huế cho rằng, vấn đề trên cũng là trăn trở của du lịch Huế. Khoảng 20 năm trở, các khách sạn 4 - 5 sao tại Huế không tăng lên nhiều. Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện) thường đòi hỏi quy mô số lượng phòng lớn. Nhiều cơ quan, đơn vị, công ty muốn tổ chức các sự kiện ở Huế, song do vấn đề lưu trú quy mô lớn không đáp ứng nên phải chọn ở một nơi khác.

Theo thống kê của Sở Du lịch, đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 886 cơ sở lưu trú, với 14.006 phòng và 22.577 giường, trong đó có 203 khách sạn (chiếm 22,9% trên tổng cơ sở lưu trú) với 8.486 phòng (chiếm 60,5% trên tổng số phòng) và 14.088 giường (chiếm 62,3% trên tổng số giường). Trong đó, số khách sạn từ 3 - 5 sao có 23 cơ sở với 3.052 phòng (chiếm 87,2%) và 4.852 giường (chiếm 86,2%) trên tổng số 38 khách sạn có sao với 3.499 phòng và 5.630 giường.

Xu hướng du lịch là người dân ngày càng lựa chọn dịch vụ lưu trú cao cấp, nhưng Huế lại đang thiếu nghiêm trọng. Nhiều năm qua, số khách sạn từ 3 - 5 sao tại Huế dường như không thay đổi. Quỹ phòng trong hệ thống các cơ sở lưu trú không quá lớn, gây khó về tính cạnh tranh với các địa phương về mặt giá và cũng thường xuyên thiếu phòng dịp lễ, giai đoạn cao điểm.

Mặc dù chưa có những điều tra, khảo sát một cách toàn diện, tuy nhiên, áp lực về phòng lưu trú cho khách du lịch là hiện hữu. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, ngoài các kỳ nghỉ lớn, giai đoạn khoảng tháng 6 - 8 thường xảy ra tình trạng thiếu phòng. Nhiều ngày các khách sạn giai đoạn này chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu của khách. Đó cũng là một trong những lý do mà nhiều khách chưa chọn Huế làm điểm du lịch giai đoạn này.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, thực trạng “cháy phòng” vào dịp lễ, mùa cao điểm du lịch là chuyện không mới ở Huế, song, chưa thể giải quyết. Nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề tại sao nhà đầu tư chưa nhảy vào. Thực tế vào dịp lễ, cuối tuần, tình trạng “cháy phòng” là phổ biến, nhưng các ngày giữa tuần thì công suất chưa thể lấp đầy. Nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính toán hiệu quả một cách rất kỹ, đặc biệt là sau giai đoạn dịch COVID-19. Đó cũng là điểm mà nhiều tập đoàn, nhà đầu tư vẫn còn ngần ngại.

Gỡ khó từ chiến lược du lịch

Theo đánh giá của những người làm du lịch, việc tổ chức Festival Bốn mùa của Thừa Thiên Huế là một định hướng đúng, tạo sự kiện lễ hội quanh năm để thu hút khách và giãn thời gian các hoạt động tổ chức cùng lúc để tránh gây áp lực cùng thời điểm về dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, cách tổ chức cần có những nghiên cứu để tạo ra các chương trình đặc sắc, có sức hút hơn.

Ông Thắng cho rằng, để thu hút khách, rất cần các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc hơn. Đặc biệt, với Festival Bốn mùa đang được tổ chức, cần nghiên cứu xây dựng các chương trình có tính hấp dẫn, thu hút khách. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu để tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó tăng tỷ lệ lấp đầy phòng vào những ngày thường, để khách luôn “có dịp” để đến Huế. Đó cũng là cách để giải bài toán con gà, quả trứng (không có khách ổn định, khó thu hút nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Khi không có đủ phòng lưu trú, lại khó thu hút khách đến Huế). Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách kích cầu tốt hơn để khách lựa chọn các tour tuyến, sản phẩm du lịch ở Huế.

Còn theo ông Bình, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi với các cơ chế thông thoáng thu hút nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, dành quỹ đất ở vị trí thích hợp để nhà đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Dịch vụ lưu trú là một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của du lịch, cùng với lữ hành và vận chuyển. Chỉ khi thu hút và “giữ chân” được du khách, mới tạo được nguồn thu lớn từ du lịch. 3 lĩnh vực này có mối liên quan mật thiết, phải đồng hành xây dựng và phát triển. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch tỉnh cùng các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đang tiếp tục nghiên cứu thay đổi, tìm các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phát triển. Trong đó, sẽ tập trung nghiên cứu và các sản phẩm du lịch đặc sắc, bổ sung các sản phẩm du lịch thành chuỗi dịch vụ du lịch của tỉnh nhà và liên kết các địa phương để tạo ra các sản phẩm lưu trú trải nghiệm dài ngày. Chính quyền địa phương cùng các ban ngành cũng đang kết nối các nhà đầu tư, thu hút họ về Huế để xây dựng các khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 11/4/2024