Hà Giang: Đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống vào hoạt động du lịch
Cập nhật: 03/10/2023
Đến thăm bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), nhiều du khách bị thu hút bởi những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, được phụ nữ Lô Lô tự tay thêu thùa với nhiều hoa văn, họa tiết đặc sắc. Từ lâu nay, đồng bào Lô Lô đã đưa các sản phẩm thổ cẩm truyền thống vào phục vụ du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Độc đáo hoa văn trang phục người Lô Lô

Người Lô Lô là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam với hai nhánh là Lô Lô đen và Lô Lô hoa, sinh sống chủ yếu tại hai huyện Lũng Cú, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc, thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ... cùng cách thêu, ghép vải thành hoa văn trang trí trên khăn, áo, váy, quần có nét riêng biệt.

Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ trời đất, thần núi, thần rừng…, hoa văn trên trang phục của người Lô Lô đen ở bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, Đồng Văn) cũng là các họa tiết biểu trưng cho trời - đất, thần linh, thiên nhiên, cây cỏ, động vật xung quanh…

Lúc nông nhàn, những người phụ nữ Lô Lô thường tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để thêu thổ cẩm. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Chị Vàng Thị Xuyến (nghệ nhân thêu thổ cẩm tại bản Lô Lô Chải) cho biết, điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người Lô Lô Chải là hoa văn được tạo hình từ việc đính những chiếc khuy sát gần nhau, tạo thành hàng theo mép khăn, mũ, tay áo, thân áo, yếm… của người phụ nữ Lô Lô Chải. Những hàng khuy đó thể hiện cho sự đoàn kết, gắn kết thành một cộng đồng của đồng bào dân tộc Lô Lô.

Chị Vàng Thị Xuyến chia sẻ, chị được học thêu từ khi còn rất nhỏ. Từ khi 7 - 8 tuổi, bà, mẹ đã dạy chị cách thêu, ghép vải tạo hình hoa văn truyền thống. Vì thế, đến khi 12 - 13 tuổi, chị đã thành thạo việc thêu thùa, bắt đầu tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống. Phụ nữ Lô Lô không dùng khung thêu mà chỉ cầm miếng vải để thêu. Do đó, các đường kim mũi chỉ đòi hỏi đôi tay rất khéo léo.

Tiến sỹ Lò Giàng Páo (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà dân tộc học người Lô Lô) cho biết, hoa văn trên trang phục của người Lô Lô đã được các nhà nghiên cứu đánh giá ở tầm giá trị nghệ thuật, có tính thẩm mỹ cao. Hoa văn cách điệu mang tính biểu trưng, có ý nghĩa và được phối hợp nhuần nhuyễn như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình chứ không chỉ đơn thuần là tái hiện các hình ảnh cuộc sống thường nhật lên trang phục như nhiều dân tộc khác.

Những mảnh vải nhỏ hình tam giác, các họa tiết… được ghép với nhau để tạo ra những hình thể mới đa dạng. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Giá trị nghệ thuật của những hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô đã được công nhận, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen xã Lũng Cú đã được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia loại hình tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Lô Lô Chải, đặc biệt là với phụ nữ, khi hoa văn trên trang phục của họ, những sản phẩm thêu thùa trong đời sống thường nhật đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Khai thác sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch

Du lịch cộng đồng ở Lô Lô Chải phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, nghỉ lại, vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ nơi Cực Bắc Tổ quốc, vừa trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương. Cùng với sự phát triển của du lịch cộng đồng, các dịch vụ khác cũng phát triển theo, trong đó có các sản phẩm thủ công truyền thống do phụ nữ Lô Lô Chải thêu thùa được nhiều du khách ưa chuộng. Đặc biệt là dịch vụ thuê trang phục truyền thống của đồng bào Lô Lô chụp ảnh lưu niệm.

Những người phụ nữ Lô Lô tự may, thêu trang phục cho mình. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Vừa giúp du khách mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Lù Thị Vấn (chủ quán cà phê Cực Bắc, thôn Lô Lô Chải) chia sẻ, phụ nữ Lô Lô thường rất cẩn thận, tỉ mỉ, phải mất thời gian rất lâu mới có thể hoàn thành một sản phẩm thổ cẩm. Trung bình, một bộ quần áo truyền thống chị phải mất khoảng 2 - 3 năm mới có thể hoàn thành. Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, phụ nữ ở Lô Lô Chải vẫn thường xuyên gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau nâng cao kỹ năng thêu thùa, làm thêm mẫu mã sản phẩm mới phục vụ du khách, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.

Xúng xính trong bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ của phụ nữ Lô Lô, chị Hiền Chi (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên chị đến tham quan làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải, được trải nghiệm những nét đặc sắc của văn hóa, ẩm thực của đồng bào nơi đây.

“Phong cảnh nơi đây thật đẹp, thật yên bình. Đặc biệt, tôi rất thích thú vẻ đẹp rực rỡ và những hoa văn, họa tiết cầu kỳ của bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô, nên muốn mặc thử và chụp ảnh để làm kỷ niệm”, chị Hiền Chi chia sẻ.

Chị Lù Thị Vấn cho biết, mỗi bộ trang phục chị cho thuê mặc một lần với giá 100.000 đồng. Ở Lô Lô Chải, các gia đình có làm du lịch cộng đồng đều có những bộ trang phục cho khách thuê mặc, dịch vụ này được nữ du khách rất ưa chuộng. Gia đình chị có thêm thu nhập từ dịch vụ này.

Trang phục truyền thống được người Lô Lô đen ở Lũng Cú (Hà Giang) sử dụng thường xuyên, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết và những ngày quan trọng. Ảnh: Nam Thái – TTXVN

Không chỉ trải nghiệm mặc thử trang phục và chụp ảnh lưu niệm, du khách khi đến tham quan thôn Lô Lô Chải còn có thể mua những sản phẩm thổ cẩm quà tặng như: ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn, đồ lưu niệm... do phụ nữ Lô Lô Chải làm ra với những hoa văn độc đáo, mang đặc trưng văn hóa Lô Lô. Các sản phẩm thổ cẩm này vừa là di sản văn hóa truyền thống giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về đời sống sinh hoạt của người Lô Lô, vừa là “tài sản” đặc biệt, giúp các chị em có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho gia đình.

Phương Hà

Báo Dân tộc & miền núi - dantocmienniu.vn - Đăng ngày 30/09/2023