TP. Bắc Kạn mời gọi đầu tư phát triển du lịch tại phường Xuất Hóa
Cập nhật: 19/09/2023
Phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, những thác nước, hang động nguyên sơ, nhiều điểm di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia... là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.

Thành phố Bắc Kạn vừa tổ chức khảo sát đánh giá, định hướng xây dựng điểm và tour du lịch tại phường Xuất Hóa. Tại khu vực này có 6 điểm tham quan, nếu tổ chức thành tour thì phù hợp với thời gian khám phá trong hai ngày một đêm, gồm: Thác Bạc 1, thác Bạc 2, động Áng Toòng, rừng nghiến Nà Noọc nguyên sinh, thác chín tầng, hồ thủy điện Thác Giềng, đền Thác Giềng.

Điểm bắt đầu chuyến tham quan khám phá có thể xuất phát từ quần thể rừng nghiến Nà Noọc thuộc địa phận phường Xuất Hóa. Để bảo vệ quần thể này, năm 2019, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng với diện tích hơn 594ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 195ha.

Thác Bạc với dòng nước trong mát chảy giữa rừng nguyên sơ.

Sau hành trình khám phá rừng nghiến, du khách khám phá động Áng Toòng. Đây là hang động tự nhiên, hệ thống hang được chia thành hai tầng. Tầng một, chạy theo hướng Bắc - Nam, có chiều dài 120m, chỗ hẹp, chỗ rộng tạo thành ba động liên tiếp. Tầng hai, chạy theo hướng Đông - Tây, có chiều dài 350m. Toàn tuyến hang là những thạch nhũ đa dạng về màu sắc, độc đáo, phong phú về hình dáng, có chỗ thạch nhũ màu vàng nhạt trông như những dải lụa; chỗ có màu vàng xen trắng được tạo thành từ các kẽ đá rải khắp mặt động.

Trên trần động, các thạch nhũ chảy xuống với nhiều hình dạng lấp lánh kỳ thú. Động Áng Toòng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 2013.

Phường Xuất Hóa còn có một điểm tham quan hấp dẫn là thác Nà Noọc (hay còn gọi là thác Bạc). Đây là thác nước tự nhiên nằm ở chân đèo Áng Toòng. Vào mùa nước nhiều, thác như một dải lụa trắng uốn lượn chảy qua những vách núi và cánh rừng nguyên sinh. Dưới chân thác Bạc có nhiều vị trí tuyệt đẹp có thể check-in, thiên nhiên ban tặng nơi đây một "bể bơi" rộng hơn 100m2, mùa hè thu hút rất nhiều nhóm bạn trẻ đến đây vui chơi trải nghiệm… Năm 2010, thác Nà Noọc đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác chín tầng.

Tiếp tục hành trình tham quan tại phường Xuất Hóa, du khách có thể khám phá lòng hồ thủy điện Thác Giềng và thác chín tầng. Lên ngược dòng sông Cầu khoảng 35 phút, thuyền chầm chậm đưa khách vào một cửa khe - là nơi dòng nước trên thác đổ xuống.

Hành trình khám phá thác chín tầng trong rừng nguyên sinh, du khách cần chuẩn bị giày đi rừng hoặc ủng, để thoáng chân và cảm nhận độ mát của dòng nước, du khách có thể đi dép tổ ong ở những đoạn nước nông. Chuyến đi không thể thiếu điện thoại hoặc chiếc máy ảnh. Với thời gian khoảng 1h đồng hồ, du khách vượt qua hàng trăm tảng đá lớn nhỏ, bên dưới dòng nước len lỏi qua các khe đá tung bọt trắng xóa. Đi bộ leo thác, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn không khí trong lành và mát mẻ của thiên nhiên hoang sơ nơi đây.

Hát then, đàn tính trên lòng hồ thủy điện Thác Giềng.

Trên đường xuống, du khách mất khoảng 30 phút. Rời thác, quý khách lên thuyền cũng là lúc bữa trưa bắt đầu. Thuyền ngược dòng khoảng 15 phút, bác lái thuyền tắt máy thả trôi, du khách được cảm nhận không gian yên tĩnh vẳng tiếng chim hót, tiếng những người đánh cá. Vừa nghe hát then, đàn tính du khách vừa thưởng thức món cá nướng, gà nướng, măng rừng, nhiều loại rau sống là rau rừng, rượu men lá uống bằng chén làm từ ống nứa, cơm lam...

Bà Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố đang mở cửa đón các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch. Trên địa bàn có nhiều điểm có thể làm du lịch với quy mô khác nhau. Đối với khu vực phường Xuất Hóa, thành phố mong muốn sớm có nhà đầu tư quan tâm lập dự án du lịch sinh thái.

Nhu cầu khám phá của du khách về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều. Đây là hướng đi mang tính bền vững của thành phố Bắc Kạn nhằm khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, cơ hội kinh doanh cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống... mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Đồng thời việc phát triển du lịch sinh thái cũng giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét bản sắc văn hoá độc đáo./.

Trần Tuyến

Báo Bắc Kạn - baobackan.com.vn - Đăng ngày 16/9/2023