Với nhiều người Hà Nội, tiếng rao “Ai phớ... đi” vẫn vang vọng trong tiềm thức, gợi nhớ về khu phố cổ và những con ngõ nhỏ vào buổi trưa thanh vắng hay đêm đông rét mướt.
Tiếng rao khắc khoải ấy gợi nhớ bóng dáng của người đàn ông thường đội chiếc mũ cối bạc màu, quần áo sờn rách, quẩy đôi thùng gỗ trên vai đi khắp phố phường Hà Nội, khiến người ta cay mắt nhớ về tuổi thơ hay một Hà Nội những năm xưa cũ. Ngày ấy, quà vặt của lũ trẻ con ở phố chỉ là vài quả ô mai, bánh oản, bỏng ngô... Nhưng món “gây thương nhớ” nhất vẫn là tào phớ, bởi dù trời lạnh hay nóng, thức quà này cũng có vị ngon riêng.
Cái tên “tào phớ” được phiên âm từ tên gọi “to fu” (tào phở) - một món ăn của người Hoa đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu. Nhờ hương vị dân dã, tốt cho sức khỏe nên dần dà, tào phớ trở thành món ăn quen thuộc của người Việt. Mỗi miền có một cách thưởng thức tào phớ khác nhau; ở Hà Nội, tào phớ giữ được hương vị nguyên bản nhất khi được dùng với nước đường ngọt vừa phải và đượm hương hoa nhài. Đây cũng là món tráng miệng của nhiều gia đình ở Hà Nội trước đây.
Cách làm tào phớ không khó. Nguyên liệu chủ yếu là đậu nành ngon, được ngâm qua đêm và đãi sạch vỏ, bỏ hết các hạt hỏng, mốc. Sau đó, người ta nấu thành sữa đậu nành, lọc bỏ bã rồi tiếp tục đun cùng thạch rau câu, lá nếp. Khi hỗn hợp đạt yêu cầu, người ta để nguội, phần óc đậu sẽ đặc quánh và có mùi thơm ngậy của lá nếp hòa với vị béo bùi của đậu nành. Khi ăn, người ta dùng vỏ của con trai thay cho cái muôi, khéo léo gạt từng lớp mỏng cho vào bát, chan thêm nước đường đã ướp sẵn hoa nhài, tạo nên hương thơm tinh khiết, vị ngọt thanh dễ chịu. Vào mùa hè, người Hà Nội thưởng thức tào phớ với chút đá xay hoặc đá viên, có tác dụng giải nhiệt. Trong những ngày đông lạnh giá, tào phớ được dùng với nước đường đun nóng, thả thêm vài lát gừng, giúp giữ ấm cơ thể.
Ở Hà Nội, làng An Phú (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) được xem là làng nghề “khai sinh” ra món tào phớ. Trước kia, nhiều hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề này. Ngày nay, tào phớ Hà Nội vẫn xuất hiện ở các hàng chè, nhưng đã thay đổi ít nhiều để phục vụ nhu cầu của lớp trẻ khi cho thêm trân châu, hạt sen, cốt dừa hay caramen béo ngậy..
Thủy Hương