Mùa xuân đi chợ phiên đặc biệt ở Việt Nam
Cập nhật: 28/01/2013
(TITC) - Mùa xuân về trong sắc hồng ấm áp của hoa Ðào, sắc vàng rạng rỡ của hoa Mai tràn ngập trên những nẻo đường đất nước. Trong không khí rộn ràng đón Xuân, du khách hãy khám phá những phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, mua may, bán rủi.

Chợ chữ Sài Gòn

Từ 15 tháng chạp hàng năm, chợ chữ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 5), khu phố người Hoa (quận 6, 11)… bắt đầu họp nhộn nhịp và kéo dài đến hết ngày 30 tháng chạp. Trong những ngày này, tấp nập nhất phải kể đến chợ chữ nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch (trước khu vực Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1). Mười sáu chiếu thư pháp nằm san sát chạy dọc một đoạn vỉa hè. Các ông đồ đều trong trang phục áo dài đen, khăn đóng truyền thống ngồi “múa” chữ và dòng người nườm nượp đến thưởng ngoạn, mua chữ. Trên tường rào của nhà văn hóa là hàng dài câu đối, kiểu chữ mẫu được trưng bày để khách chiêm ngưỡng và lựa chọn.

“Phước”, “Lộc”, “Thọ”, “Tâm”, “Phúc”, “Nhẫn” là những chữ mà người ta thường xin các ông đồ. Chọn một chữ tức là họ đã chọn một tâm thế sống, một hướng đi trong năm mới cho mình và những người thân.

Chợ Ngái

Làng Ngái thuộc xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội từ xưa tới nay vẫn duy trì những phiên chợ Tết mang đậm màu sắc văn hóa địa phương, mỗi phiên chỉ họp một lần vào dịp Tết Nguyên đán và chỉ bán một mặt hàng.

Chợ Ngái Vàng Mã: Họp vào sáng 16 tháng chạp, chuyên bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn Ông Công - Ông Táo chầu Trời vào 23 tháng chạp.

Chợ Ngái Lá Dong: Họp vào ngày 21 tháng chạp, chuyên bán lá dong; lạt giang, nứa cho người dân chuẩn bị gói bánh chưng, bánh gio phục vụ dịp Tết cổ truyền.

Chợ Ngái Hàng Cam: Họp vào ngày 26 tháng chạp, bán nhiều hoa, quả như: cam, bưởi… phục vụ việc trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết. Chợ Ngái Hàng Cá: Họp vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, mua bán cá, chuẩn bị cho lễ “Tạ Cụ” đầu xuân.

Chợ Ngái Hàng Gà: Họp vào mồng 6 Tết, mua bán gà chuẩn bị cho lễ “hạ cây nêu” vào ngày mồng 7 – một lễ hội đặc trưng của người dân địa phương.

Chợ Cưới

Nam nữ dân tộc Thái mong mỏi ngày hội tung cầu thế nào thì nam nữ dân tộc Mông, Dao ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng mong mỏi phiên chợ Cưới như thế. Chợ Cưới thực chất là phiên chợ tình, họp vào ngày 25 tháng chạp hàng năm. Thanh niên nam nữ đến chợ để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, hứa hẹn giao ước một cuộc hôn nhân mới. Người đứng tuổi đến chợ trước là để chính thức thừa nhận dâu, rể tương lai, sau là cùng ôn lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ…

Chợ Mục Ðồng

Tại xã Yên Thư (huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), theo truyền thống, cứ đến ngày 28 tháng chạp hàng năm, lại diễn ra phiên chợ Mục Đồng. Điểm đặc biệt của chợ này là kẻ bán, người mua toàn là trẻ con. Các em bán các mặt hàng đa dạng như: đồ chơi, hoa, quả, bánh, kẹo, nước giải khát, gà, vịt, tiền vàng,…

Tuy là chợ dành cho trẻ con nhưng không khí phiên chợ từ đầu buổi đến cuối buổi luôn ồn ào, náo nhiệt chẳng khác gì phiên chợ Tết của người lớn.

Chợ Gò Trường Úc

"Bao giờ Trường Úc hết vôi
Thì anh hết đứng hết ngồi cùng em"

Đúng như câu ca trên, chợ Gò Trường Úc là nơi tề tựu của trai, gái trong vùng để hẹn hò, tâm tình, kết duyên. Đây là phiên chợ tình duy nhất ở miền Trung họp vào buổi sáng ngày mồng 1 Tết Nguyên đán hàng năm, trên một gò đất cao nằm tại chân núi Trường Úc, cách thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 8km về phía bắc.

Chợ Gò có tính hội vui xuân hơn là phiên chợ. Từ người lớn đến khách hàng đều mặc quần áo mới, cười nói vui vẻ.

Người đi chợ, ngoài dịp “mua may”, chiêm bái, cầu phúc tại chùa Sơn Long cổ kính nằm kề bên núi Trường Úc, còn có dịp tham gia những trò vui chơi mang màu sắc dân gian như đánh bài chòi, giải đáp câu thai, đánh cờ tướng,...

Chợ Gia Lạc

Chợ họp vào ngày mồng 1, 2 và 3 Tết Nguyên đán, tại ngã ba đường Dương Nỗ (thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km về phía đông. Chợ bày bán nhiều đặc sản của các địa phương như: các loại thịt, bún bò, bánh bèo, bánh phu thê, kẹo mứt, chuối ngự Nam Giao, quýt ngọt Hương Cần, trầu cau Nam Phổ,...

Đi chợ Gia Lạc, ngoài việc mua bán các mặt hàng, du khách còn có dịp tham gia các trò chơi dân gian như: hát bài chòi, hò giã gạo, bài thai…, tạo thêm không khí vui nhộn cho mình trong dịp Tết cổ truyền tại Huế.

Chợ Bến

Chợ Bến họp vào ba ngày đầu năm mới, dọc theo bờ sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), bán các mặt hàng như: đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...

Với mong muốn đi chợ để cầu phúc, cầu lộc, cầu may cho cả năm mới cho nên trong phiên chợ, kẻ mua, người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không nói thách giá cả, cò kè bớt một thêm hai như những phiên chợ khác.

Không khí tại chợ Bến trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn bởi sự hồ hởi nhiệt tình tham gia các trò chơi như: chọi gà, leo cột mỡ, hát bài chòi… của người dân địa phương và du khách.

Chợ Âm Dương

Chợ họp duy nhất một phiên từ tối mồng 4 đến rạng sáng mồng 5 Tết Nguyên đán hàng năm, trên một bãi đất trống nằm bên cạnh gốc cây đa cổ thụ ở làng Xuân Ô, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh (Bắc Ninh).

Gọi là chợ Âm Dương là bởi theo truyền thuyết, vào những năm 40 sau Công nguyên, khu vực chợ là nơi diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng và quân Hán khiến nhiều binh sĩ tử trận. Sau cuộc chiến, thân nhân của các binh sĩ tử trận đã mang đồ tế lễ đến đây để cúng bái nhằm cầu siêu, cầu phúc cho oan hồn các tử sĩ; dần dà, địa điểm này trở thành chợ với tên gọi Âm Dương. Chợ Âm Dương đã đi vào lịch sử, hội họa, văn học và điện ảnh, tuy nhiên do một số lý do, đã ngừng họp một thời gian.

Với ý nghĩa nhân văn mang đậm màu sắc tín ngưỡng của người Việt Nam, ngày 17, 18/2/2010 (tức mồng 4, 5 Tết Canh Dần), chợ Âm Dương chính thức được khôi phục trở lại đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách thập phương.

Chợ Âm Dương là phiên chợ đặc biệt, không có lều quán và hàng hóa được bày bán chỉ toàn là những con gà mái đen và hàng mã để cúng tế thần linh trừ tà ma. Với quan niệm, thời điểm họp chợ chính là thời khắc chuyển giao giữa cõi âm và dương thế nên người dương có dịp gặp người âm để cùng đi chợ mua may, bán rủi cho nên phiên chợ không thắp đèn mà chỉ thắp nến vì sợ ánh đèn làm cho gà tưởng ánh mặt trời sẽ cất tiếng gáy làm hồn ma bay đi; người mua, người bán chỉ trao đổi với nhau bằng hành động, không dùng lời, không quan tâm đến loại tiền nào, bởi thế tiền thật lẫn cả với tiền âm phủ.

Chợ vừa tan, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và cùng hát những làn điệu quan họ Bắc Ninh trữ tình, sâu sắc.

Chợ Viềng

Ở Nam Định có hai chợ Viềng, một là chợ Viềng Phủ nằm gần Phủ Dày (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và chợ Viềng Chùa nằm gần chùa Bi (xã Nam Giang, huyện Nam Trực).

Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên", ý nói hai chợ này vừa cùng tên “Viềng” lại vừa họp cùng phiên và bán nhiều mặt hàng giống nhau, trong đó có ba mặt hàng đặc trưng nhất là đồ cũ, công cụ nhà nông và cây cảnh.

Chợ Viềng họp vào đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng 1 âm lịch hàng năm với quan niệm “bán rủi, mua may”. Trước đây, người ta đi chợ Viềng thuần túy theo phương thức thức trao đổi hàng hóa (chủ yếu là đồ cũ), không mua bán bằng tiền theo tinh thần “bán được là quí, mua được càng may”. Ngày nay, phiên chợ Viềng diễn ra theo phương thức mua bán bằng tiền mặt và giá các mặt hàng ở đây khá rẻ.

Đi chợ Viềng, du khách còn có dịp chiêm bái, cầu may tại Phủ Dày và chùa Bi.

Chợ tình Khau Vai

Chợ họp trên một sườn núi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 (âm lịch).

Gọi là chợ nhưng nơi đây không bán hàng hóa, chỉ có một số lều quán bán đồ ăn, uống phục vụ những người về đây họp chợ.

Người đến chợ thường là các cặp trai gái đang yêu, những cặp vợ chồng hay những đôi bạn người dân tộc H’Mông, Tày, Nùng, Giáy chủ yếu đến từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng (Hà Giang) và từ huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).  Họ đến đây để cùng tâm sự hay ôn lại những kỷ niệm cũ sau thời gian xa cách. Có rất nhiều cặp vợ chồng cùng nhau đến chợ nhưng khi đến nơi, mỗi người một nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình. Họ coi đó là sự thông cảm và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.


                                                                                                                                                                     Thanh Hải (tổng hợp)