Khai mạc Tuần văn hoá, thể thao và du lịch Thái Bình năm 2010
Cập nhật: 28/02/2010
Sáng ngày 27/2/2010, tại khu di tích đền thờ các vua Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh đã trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Tuần văn hóa, thể thao du lịch Thái Bình năm 2010 với chủ đề “Âm vang hào khí Đông A”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh trống khai hội Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Thái Bình năm 2010

Về dự Lễ khai mạc có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện nhiều Bộ, ngành của Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Mở đầu là lễ dâng hương tại đền thờ các vua Trần.

Cách đây hơn 700 năm, tại nơi đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của Hoàng tộc nhà Trần. Các Hoàng đế nhà Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng... Đền Trần và Thái Đường lăng tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là đất phát nghiệp - nơi đặt mộ tổ các vua, hoàng hậu và công chúa nhà Trần... đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích khảo cổ học và di tích lịch sử quốc gia.

Sau lễ dâng hương là màn biểu diễn trống trắc, trống hội hoành tráng của gần 40 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong tỉnh.

Chào mừng lễ khai mạc, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Bình tổ chức lễ hội tại khu di tích đền thờ các vua Trần. Không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa chính trị sâu sắc hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa du lịch của tỉnh tới đông đảo các du khách tham quan cũng như để khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần trên đất Thái Bình và tạo điểm nhấn về du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách đến Thái Bình trong dịp đầu xuân 2010.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: Thái Bình là tỉnh có tiềm năng về nhiều mặt, có văn hóa đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc truyền thống mang tính sử thi, huyền thoại và có sức hấp dẫn lớn. Mảnh đất Thái Đường - Ngự Thiên phủ lộ Long Hưng, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà là nơi lưu giữ tôn miếu nhà Trần, đất phát tích - sáng nghiệp của nhà Trần, vương triều có nhiều công tích lớn lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước vào thế kỷ 13, 14, đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông mà hào khí Đông A còn vang mãi muôn đời. Chúng ta hội tụ về đây không chỉ với tấm lòng tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý cốt cách của người Việt Nam là uống nước nhớ nguồn mà còn thắp sáng niềm tự hào với quá khứ lịch sử vinh quang của quê hương, đất nước qua những di tích trên vùng đất lịch sử mà tỉnh Thái Bình có vinh dự là địa phương quản lý, lưu giữ. Phát huy truyền thống đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nơi đây là kho người, kho của cho tiền tuyến với các phong trào 5 tấn, 10 tấn, phong trào "thóc thừa cân, quân vượt mức" đi đầu cả nước. Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cho toàn tỉnh Thái Bình nói chung, khu di tích đền thờ các vua Trần nói riêng để giáo dục nét đẹp truyền thống giúp tỉnh Thái Bình ngày càng phát triển. Chủ tịch nước cũng tin tưởng rằng với hào khí Đông A trong thời đại ngày nay nhất định tỉnh Thái Bình sẽ trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lời nhắn nhủ của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh Thái Bình...

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đánh trống khai hội Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Thái Bình năm 2010 và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi lời chúc sức khỏe đồng bào, đồng chí, quý khách thập phương về dự lễ hội, chúc Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch Thái Bình năm 2010 thành công tốt đẹp.

Chương trình được tiếp nối bằng màn sử thi với chủ đề “Âm vang hào khí Đông A” diễn ra trang trọng, ấn tượng trong âm vang rộn rã của tiếng trống hội và lời ca tiếng hát tưng bừng của 850 nghệ sĩ, diễn viên với màu sắc sặc sỡ đã tái hiện lại các giai đoạn dựng nghiệp, hưng nghiệp và hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống của mảnh đất, con người Thái Bình cách đây 700 năm; vai trò lịch sử của nhà Trần trong việc củng cố sự thống nhất quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của văn minh Đại Việt, xây dựng nền văn hoá Thăng Long rực rỡ, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi 3 cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông bảo vệ độc lập dân tộc... đã cuốn hút người xem cảm nhận đầy đủ hơn hào khí Đông A mà nhà Trần đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Sau Lễ khai mạc, du khách về dự lễ hội được hòa mình vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với các nghi lễ truyền thống văn hóa đặc sắc của thời nhà Trần như: triển lãm các tài liệu, hiện vật, sách về nhà Trần; triển lãm các sản phẩm nghề và làng nghề; triển lãm di tích và lễ hội ở Thái Bình; biểu diễn các trò chơi dân gian truyền thống như: cờ người, chọi gà, thi cỗ cá; liên hoan hát văn, giao lưu các câu lạc bộ thơ; biểu diễn múa dân gian như: Bát dật, kéo chữ, giáo cờ giáo quạt, rồng lân... tạo không khí sôi động, hấp dẫn đối với du khách và đồng bào trong và ngoài tỉnh.
VietnamPlus