Vó ngựa Phìn Hồ - Điện Biên
Cập nhật: 10/10/2023
Từ ngày 17/6/2023, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chính thức khai mạc và đưa vào hoạt động chợ phiên Phìn Hồ. Ðây là chợ phiên dành cho đồng bào các dân tộc trong vùng, với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc, mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản địa phương. Từ đó đến nay, chợ được duy trì đều đặn mỗi cuối tuần và thu hút khá đông du khách thập phương tìm về trải nghiệm.  

“Check in” cùng ngựa

Trong dòng người ngược núi về chợ đêm Phìn Hồ, chị Bùi Thị Thanh Hải (du khách Hà Nội) tỏ ra rất thích thú. Cùng với sắc màu đến từ trang phục đồng bào các dân tộc, những món ăn đặc sản riêng có, điều khiến chị Hải bất ngờ và thú vị hơn cả là những chú ngựa. “Tôi vẫn nghĩ chỉ ở Ðà Lạt hoặc Bắc Hà (Lào Cai) mới có trải nghiệm cùng ngựa. Nhưng khi thấy chúng xuất hiện tại chợ phiên Phìn Hồ tôi vô cùng bất ngờ. Nó mang lại một trải nghiệm hết sức đặc biệt mà ở những phiên chợ miền xuôi không có!” - chị Hải chia sẻ.

Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tại chợ phiên Phìn Hồ.

Không chỉ tạo ấn tượng với du khách phương xa, những chú ngựa góp mặt ở chợ phiên cũng mang lại nhiều bất ngờ cho chính người dân địa phương. Ðã nhiều lần đi các chợ phiên trong tỉnh và huyện, song lần đầu tiên được chụp ảnh cùng ngựa tại chợ phiên Phìn Hồ nên chị Nguyễn Thị Minh, người dân xã Phìn Hồ rất thích thú. Chị tâm sự: “Con trai tôi rất thích trải nghiệm cưỡi ngựa, còn tôi thì chụp được rất nhiều ảnh đẹp cùng đàn ngựa. Khi chia sẻ hình ảnh đó lên facebook, rất nhiều bạn bè hỏi thăm và hứa hẹn nhất định sẽ đến đây. Tôi thấy thật sự tự hào!”.

Những chú ngựa đầu tiên có mặt tại chợ phiên Phìn Hồ là của gia đình anh Chao Suông Vềnh, bản Ðệ Tinh 2. Theo anh Vềnh chia sẻ thì gia đình đã nuôi ngựa nhiều năm, nhưng chỉ duy trì 2 - 3 con. Thời gian qua, khi xem được các video clip chia sẻ trên mạng xã hội về dịch vụ trải nghiệm cưỡi ngựa, chụp ảnh cùng ngựa, anh đã nghĩ ngay đến việc học hỏi và kinh doanh loại hình này. Thời gian sau đó, anh Vềnh bắt đầu huấn luyện và thuần ngựa cho dạn với người. Vừa dịp chợ phiên Phìn Hồ được mở, anh Vềnh xem đây là cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm. 

“Tôi đã vệ sinh sạch sẽ và trang trí dây cương rất đẹp cho ngựa. Ngay lần đầu mang ngựa lên chợ đã thu hút rất nhiều người quan tâm. Lúc đầu thì một số trẻ em sợ, song sau đó thì đa phần đều tỏ ra thích thú. Ai cũng muốn được chụp ảnh cùng ngựa, có nhiều người còn cưỡi thử. Tôi thu mỗi khách 20 nghìn đồng, buổi đầu tiên cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng!” - anh Vềnh cho biết.

Sau lần đầu thử nghiệm thành công, anh Vềnh về huấn luyện thêm cho ngựa để phục vụ du khách tốt hơn. Một số hộ dân nuôi ngựa trong vùng thấy thế cũng học theo. Bởi vậy, ở mỗi phiên chợ sau, hình ảnh những chú ngựa “dịch vụ” xuất hiện nhiều hơn. Ðể tạo sức hút cho loại hình kinh doanh này, có hộ dân còn mang theo trang phục dân tộc, phụ kiện cho thuê. Tuy nhiên, do chưa hoạt động chuyên nghiệp, ngựa mới được thuần, chưa dạn dĩ với người nên khi quá đông khách ngựa còn biểu hiện kích động. Ðể đảm bảo an toàn cho du khách, theo chia sẻ của một lãnh đạo xã thì hiện nay dịch vụ này được hạn chế và quản lý chặt chẽ. Mỗi hộ kinh doanh dịch vụ phải bố trí người giám sát, hỗ trợ du khách và xử lý kịp thời tình huống phát sinh.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Nậm Pồ tham quan mô hình nuôi ngựa của gia đình ông Hồ Chử Thào, bản Ðệ Tinh 2, xã Phìn Hồ.

Hướng phát triển mới

Theo lời kể của nhiều người lớn tuổi ở Phìn Hồ, thì chăn nuôi ngựa không phải nghề mới. Từ xưa, những con đường ở vùng đất Phìn Hồ này đều gồ ghề, cheo leo, trên các sườn núi. Ðể phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, trong khi lại không có điều kiện mua xe máy và phương tiện cơ giới khác nên ngựa là lựa chọn hàng đầu. Theo thời gian, cuộc sống phát triển, những chiếc xe gắn máy ngày một nhiều hơn và trở thành phương tiện thiết yếu. Những chú ngựa thưa dần, chỉ còn lác đác vài gia đình nuôi 1 - 2 con.

Là người “mát tay” trong nghề chăn nuôi, khi thấy những dãy đồi trùng điệp phủ xanh cây cỏ màu mỡ, ông Hồ Chử Thào, bản Ðệ Tinh 2 đã nghĩ ngay đến việc nuôi ngựa. Bắt đầu bằng việc tìm đến từng hộ gia đình trong bản, trong xã hỏi mua ngựa giống bản địa, ông Thào gặp nhiều “điều tiếng” của bà con, họ hàng. “Người ta cứ thầm thì nhau bảo tôi liều thế. Dám vay tiền ngân hàng nuôi ngựa, lúc không thành công thì lấy gì ra trả. Rồi nuôi thử nghiệm thì vài ba con thôi chứ. Tôi trấn an, nói là tìm hiểu kỹ rồi, ngựa rất dễ chăm, mà ở đây thì đồng cỏ rộng mênh mông, thoải mái chăn thả!” - ông Thào bộc bạch.

Chỉ sau một năm, đàn ngựa đã phát tướng, trổ mã, neo thêm niềm tin thành công cho ông Thào. Khi mới mua, ngựa con nặng chừng 20kg, chỉ sau khoảng 2 tháng ngựa đã nặng từ 50 - 60kg/con. Chúng ăn suốt ngày, thức ăn chính là các loại cỏ. Tuy cũng là loài móng guốc như trâu, bò, nhưng ngựa rất ít bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác. Sau 2 năm, đàn ngựa của ông Thào đã phát triển lên hơn 30 con. Những lão nông ở gần trang trại của ông Thào cũng tò mò, rồi thích thú muốn làm theo. “Ông Thào liều quá, nhưng khi ngựa lớn, có người vào tận trang trại tìm mua thì tôi biết là ông ấy làm đúng. Tôi xem ti vi, thấy bảo ngựa bạch nấu cao bán còn được giá hơn nữa, nên cũng mua 4 con về nuôi. Giờ đang lớn lắm rồi!” - ông Hồ Sếnh Rèm, ở bản Ðệ Tinh 2 chia sẻ.

Ông Giàng A Kỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Hồ rất tâm đắc với mô hình chăn nuôi ngựa của gia đình ông Thào. Sau khi tham quan, tìm hiểu kỹ lưỡng, năm 2022 Hội Nông dân xã đã vận động xây dựng mô hình chăn nuôi ngựa tại 2 bản: Ðệ Tinh 2 và Ðề Pua, với quy mô 14 hộ gia đình tham gia. Tổng số ngựa giống ban đầu là 140 con. Mỗi hộ đều được Hội Nông dân huyện tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng, trị bệnh cho ngựa. Ðến nay đàn ngựa đã tăng lên 160 con. Theo tính toán, với giá bán dao động từ 30 - 50 triệu đồng/con, thì trong năm nay giá trị thu nhập trung bình của mỗi hộ tham gia mô hình đạt khoảng 300 triệu đồng. “Hiện nay, nhu cầu nuôi ngựa ở xã bắt đầu gia tăng. Qua rà soát đã có trên 130 hộ đăng ký. Theo kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, tới đây chính quyền sẽ dành nguồn vốn tiếp tục hỗ trợ mỗi hộ 1 con giống để phát triển chăn nuôi ngựa!” - ông Kỷ cho hay.

Không chỉ nuôi ngựa thương phẩm, hiện nay nhiều hộ dân ở Phìn Hồ đã quan tâm học hỏi, nghiên cứu mô hình du lịch gắn với các dịch vụ liên quan đến loài ngựa ở các địa phương khác, như: Ðua ngựa, cưỡi ngựa, đi xe ngựa. Gắn với các sản phẩm du lịch cộng đồng, kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới, hứa hẹn nhiều hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Phìn Hồ.

Hà Linh

Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.com.vn - Đăng ngày 07/10/2023