Từ Cửa Đại, TP. Hội An (Quảng Nam), sông Cổ Cò (còn gọi Lộ Cảnh giang) quanh co qua các làng mạc, xóm thôn, ruộng đồng ven biển theo hướng bắc rồi hòa với nước sông Cẩm Lệ đổ ra vịnh Đà Nẵng.
Dòng sông Cổ Cò gắn với câu chuyện Huyền Trân Công Chúa trốn thoát khỏi giàn hỏa thiêu để về Đại Việt theo một luật tục nghiệt ngã của vương quốc Chiêm Thành. Có nhiều chuyện kể về cuộc giải cứu ly kỳ, hấp dẫn và vời vợi nỗi buồn để rồi lại… rơi vào trạng thái vừa thực, vừa hư.
Chuyện rằng, vào tháng 6 năm Bính Ngọ 1305, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân để lấy châu Ô, châu Lý. Tháng 5/1306, Chế Mân băng hà cũng là lúc Huyền Trân công chúa đang mang thai.
Theo tục lệ của Chiêm Thành, vua mất thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết cùng quốc vương. Hay hung tin này, sợ con gái và đứa cháu ngoại chưa chào đời bị sát hại trên ngọn lửa nghiệt ngã theo phong tục, vua Trần Nhân Tông bèn sai Đại hành khiển Trần Khắc Chung, vị quan lớn của triều đình, có quyền lực sau vua mượn cớ sang Chiêm Thành viếng tang vua Chế Mân theo một mưu kế giải thoát công chúa đã được tính toán khá chu đáo.
Sau khi tới kinh đô Đồ Bàn, Trần Khắc Chung bàn với Chiêm Thành nên ra bờ biển làm lễ đón linh hồn Chế Mân cùng về rồi hãy đưa Huyền Trân công chúa lên giàn hỏa thiêu. Người Chiêm nhận thấy rất hợp lý bèn nghe theo, ra bờ biển. Trần Khắc Chung cùng đoàn giải cứu công chúa liền dùng thuyền nhẹ cướp lấy Huyền Trân công chúa rồi giong buồm chạy về hướng bắc. Thuyền cập cảng Đại Chiêm (Cửa Đại, Hội An ngày nay) rồi theo dòng Cổ Cò đến chân núi Ngũ Hành Sơn để ra cửa Hàn, Đà Nẵng. Bị mất công chúa, quân Chiêm Thành liền hò hét, truy đuổi theo và chặn các ngã đường xung yếu.
Trên bộ, quân Chiêm Thành phục đón tại đèo Hải Vân, dưới biển thuyền chiến vây quanh Hòn Hành, một cửa ngõ kiểm soát thuyền, bè từ vịnh Đà Nẵng ra khơi. Nhận biết quân Chiêm Thành đang vây ráp, khó bề thoát, Trần Khắc Chung liền đưa Huyền Trân công chúa vào lánh nạn tại Nam Ô, được dân làng cá chở che để chờ cơ hội về Thăng Long…
Và theo sử sách, Huyền Trân công chúa quy tịch tại chùa Cả, làng Dành, tỉnh Thái Bình. Tiếc thương Huyền Trân công chúa, dân làng Hóa Khuê đã dựng ngôi miếu nhỏ, còn gọi là miếu Bà dưới chân ngọn Kim Sơn, một trong năm ngọn núi, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, bên dòng sông Cổ Cò, con đường thủy mà công chúa đã đi qua. Bên cạnh đó, tại làng cá Xuân Dương, Nam Ô (nay là phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), nơi Huyền Trân lánh nạn cũng có ngôi miếu thờ vọng công chúa từ rất lâu đời.
Một đoạn sông Cổ Cò đoạn qua quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Trải qua thời gian dài với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu thờ Huyền Trân công chúa dưới chân ngọn Kim Sơn bị phá hủy hoàn toàn nên đã được xây lại khang trang. Trong miếu có đôi câu: “Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu/ Thiên tạo Kim Sơn danh vạn thế”. Miếu Bà tọa lạc bên cạnh chùa Thái Sơn, đường Sư Vạn Hạnh nên thường được hương khói. Ngày 16/2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức cúng Bà, cầu mong Bà phù hộ cho quốc thái, dân an, rước lành, đuổi dữ, còn miếu ở làng Xuân Dương lại rơi vào tình trạng đổ nát, hoang phế chạnh lòng.
Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm được tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch tại quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là lễ hội có quy mô bậc nhất của Đà Nẵng, một trong các lễ hội lớn của cả nước với 5 nội dung khá hoành tráng, bao gồm: Lễ rước ánh sáng; lễ khai kinh; lễ trai đàn chẩn tế; lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm, dân tộc và lễ rước tượng Quán Thế Âm. Để tăng thêm phần phong phú cho lễ hội, bắt đầu từ năm 2017, phần hội đã tái hiện hình tượng Huyền Trân công chúa thoát khỏi giàn hỏa thiêu của Chiêm Thành tại đoạn sông Cổ Cò. Cảnh thuyền cứu Huyền Trân công chúa giong buồm chạy trước, các thuyền chiến của quân Chiêm Thành đuổi theo cùng tiếng hò reo làm náo nức cả khúc sông. Dòng sông Cổ Cò gắn với miếu thờ công chúa Huyền Trân đã bước vào lễ hội từ một huyền tích cổ xưa…
Thái Mỹ