Thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu vốn là nét đặc trưng rất riêng của Đà Lạt, cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh này để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nét đặc trưng của đô thị Đà Lạt có sức hút mạnh đối với du khách. Ảnh tư liệu
Có thể nói, nhiều năm qua, Đà Lạt đã khai thác khá tốt các giá trị tài nguyên thiên nhiên sở tại để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, cùng xu hướng mới của du khách. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đô thị hóa nhanh, khiến cho nhiều giá trị căn cốt của Đà Lạt đang bị phai loãng và mỗi ngày một khác đi. Giá trị đầu tiên phải nhắc tới, đó là thông. Thông đang ngày càng ít đi tại Đà Lạt. Cùng với thông, là sự mất mát những không gian xanh đô thị, cái đã làm nên thương hiệu “thành phố trong rừng” - một phần lý do hút du khách đến Đà Lạt, để tận hưởng không khí mát lành, nhìn ngắm cảnh quan núi đồi thơ mộng.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người cho rằng, ở Đà Lạt, phát triển đô thị là để làm du lịch, phát triển vì du lịch. Do vậy, Đà Lạt nhất thiết phải giữ lại những mảng xanh của thông. Bởi chính cây thông làm nên nét riêng của đô thị Đà Lạt và du lịch Đà Lạt. Mọi tác động vào Đà Lạt cần phải nương theo nó, dựa vào nó để phát triển. Bên cạnh đó, Đà Lạt cần phải tạo dựng chiều sâu văn hóa cho sản phẩm du lịch. Thử nhìn cái cách mà người Pháp trước đây từng làm ở đô thị nghỉ dưỡng này để thấy mọi ứng xử của họ đều rất nhẹ tay và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, dựa vào địa hình để xây nên các giá trị đặc trưng: cách người Pháp tạo dựng hệ thống những hồ nước trong lòng thành phố; tạo những khoảng lùi của những ngôi nhà so với mặt đường; mở những con đường thật mềm mại và e ấp; xây dựng những công trình kiến trúc và cách người Pháp nâng niu từng cánh rừng thông... “Tôi nghĩ, trên cơ sở nền tảng, hệ giá trị gốc của một đô thị nghỉ dưỡng do người Pháp quy hoạch, thiết kế và xây dựng tại Đà Lạt, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham chiếu để từ đó tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, những giá trị tăng thêm cho du lịch Đà Lạt”, ông Phạm Thái Lê, một người làm du lịch tại Nghệ An, trong một lần đến tham quan Đà Lạt, đã chia sẻ như thế!
Theo ông Lê, việc Đà Lạt cần làm trước mắt, cũng như trong thời gian tới, đó là phải có những giải pháp đồng bộ và thật căn cơ để cải thiện tình hình giao thông nội đô. “Trước đây, tình trạng kẹt xe chỉ diễn ra vào những ngày cuối tuần, khi lượng du khách đổ về Đà Lạt đông. Nay, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên hơn, kể cả các ngày bình thường”, chị Phạm Thị Thùy Linh, một người dân Đà Lạt, cho biết. Một người Đà Lạt khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: “Tôi mong muốn những nhà đầu tư phải hiểu Đà Lạt để làm du lịch, phải biết lưu giữ những ký ức xưa Đà Lạt, những giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là lưu giữ giá trị thiên nhiên, đưa những khoảng không gian xanh vào công trình du lịch của mình”.
Theo ông Hùng, Đà Lạt cũng cần xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương, để du khách đến tham quan, thưởng thức, tìm hiểu tinh hoa văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, Đà Lạt nên tính tới việc tạo ra các tour du lịch địa phương, dành cho những người thích nghỉ ngơi, giải trí, học hỏi, tìm hiểu và trải nghiệm ở nơi mình đang sinh sống và làm việc, không mất quá nhiều thời gian và chi phí. “Tour du lịch này có thể đưa khách đến những quán ăn, cửa hàng, các cơ sở sản xuất có nét riêng, độc đáo, những công trình kiến trúc đẹp... Phương tiện di chuyển đối với loại hình du lịch này cần đa dạng, có thể là đi bộ, đi xe đạp, xe máy, ô tô... Để khách địa phương dễ dàng tiếp cận tour du lịch địa phương, Đà Lạt cần phải xây dựng app về tour du lịch này, rồi giao cho một đơn vị hoặc một vài đơn vị thực hiện tour du lịch địa phương”, ông Hùng đề xuất.
Trịnh Chu