Hòa Bình thu hút du khách từ các lễ hội truyền thống
Cập nhật: 25/03/2015
Trong những năm qua, việc bảo tồn, phát triển các lễ hội văn hóa dân gian gắn với du lịch đang được các cấp, ngành chức năng tỉnh Hòa Bình quan tâm chỉ đạo, bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng.
 

Lễ hội truyền thống – Nét văn hóa độc đáo

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hàng năm có hàng trăm điểm tổ chức lễ hội, trong đó có 38 lễ hội đang được bảo tồn và phát huy, trong đó một số lễ hội nổi tiếng được tổ chức vào dịp đầu năm mới như các lễ hội cồng chiêng, Chùa Tiên, Khai hạ Mường Bi, Đền Bờ, Xên bản Xên Mường...  Các lễ hội truyền thống của các dân tộc Hòa Bình đều gắn với đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của cộng đồng dân cư tồn tại từ lâu đời như các lễ hội khai hạ xuống đồng, cầu mưa, đi săn, đánh cá... gắn với tín ngưỡng tại các đền, chùa...

Việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống các dân tộc được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm mục đích tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời để quảng bá, giới thiệu về bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình thu hút khách du lịch đến với Hòa Bình.

Du khách khi đến với các lễ hội ở Hòa Bình sẽ được trải nghiệm thú vị và độc đáo về những phong tục tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, văn nghệ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; được thưởng thức ẩm thực độc đáo từ các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc.

Với những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú đa dạng, cùng lợi thế là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc. Năm 2014, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó định hướng cho du lịch Hòa Bình trong những năm tới thu hút các nhà đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng các dân tộc để ngày càng hấp dẫn du khách. Phấn đấu năm 2015 tỉnh đón được 2,5 triệu lượt khách thăm quan du lịch.

Trong mùa lễ hội đầu năm nay, theo báo cáo nhanh, tỉnh Hòa Bình đã đón khoảng hơn 500 nghìn lượt khách tới thăm quan du lịch tại các lễ hội di tích, danh thắng của tỉnh. Đây thực sự là một tín hiệu mừng cho ngành du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tạo động lực phát triển du lịch

Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực cho ngành du lịch phát triển: Trước hết tỉnh Hòa Bình cần chú trọng công tác bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền thông qua việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền trong các lễ hội dân gian các dân tộc Hòa Bình. Kết hợp với việc tăng cường thu hút đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo các tiêu chí về du lịch. Chú trọng đến việc khai thác tiềm năng du tịch thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm độc đáo mang thương hiệu Hòa Bình mà không ở đâu có như: Văn hóa dân tộc Mường, ẩm thực các dân tộc, rượu cần Hòa Bình hay những đặc sản cá sông Đà, cam Cao Phong, mía tím... Đồng thời phát triển các khu, điểm du lịch văn hóa gắn với sinh thái có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phục vụ khách trong nước và quốc tế như: Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; điểm du lịch quốc gia Mai Châu, khu du lịch tâm linh Lạc Thủy, làng Mường cổ ở Tân Lạc và thành phố Hòa Bình.

Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và khách du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá; giữ gìn thuần phong mỹ tục và những giá trị văn hoá nguyên bản của địa phương, bảo vệ cảnh quan môi trường của các điểm du lịch, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến môi trường văn hoá địa phương. Trong công tác quản lý lễ hội các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch và chính quyền các địa phương để triển khai tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, đảm bảo không khí linh thiêng, chống mê tín dị đoan cũng như việc khôi phục nguyên bản những hoạt động văn hoá dân gian của lễ hội.

Tăng cường đầu tư, nâng cấp, tôn tạo và bảo vệ di tích, danh thắng, tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống tạo thành sản phẩm du lịch để thu hút và lưu giữ khách, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quan tâm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, khuyến khích nhân dân để họ tích cực tham gia bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc trong đó có những giá trị văn hoá của các lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc, để phát triển các sản phẩm du lịch Hòa Bình ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Di sản xanh