Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc
Cập nhật: 08/05/2014
(TITC) - Sáng ngày 6/5, tại TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị “Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Đoàn Ngoại giao”. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Hội nghị là dịp khẳng định vai trò quan trọng của việc liên kết giữa các tỉnh vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành phố cả nước trong phát triển du lịch; đồng thời cũng là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh; đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng đại diện các đoàn ngoại giao, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, tham luận của các đại biểu đều khẳng định tiềm năng, thế mạnh du lịch Tây Bắc là rất lớn. Có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc, Tây Bắc là khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Địa hình khu vực bao gồm nhiều đỉnh núi cao hùng vĩ (đỉnh Phan - Xi - Păng cao 3.143m, Yam Phình 3.096m, Pu Luông 2.983m…) cùng 3 con sông lớn (sông Đà, sông Mã, sông Hồng) đan xen với những vùng đồi núi thấp. Nơi đây còn chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 30 dân tộc anh em như: Mông, Dao, Thái, Mường, Tày, Nùng, Hà Nhì, Hoa, Lào… Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý nên sự phân bố dân cư theo độ cao ở Tây Bắc rất rõ rệt. Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao và Tạng với phương thức lao động sản xuất chủ yếu là phát nương, làm rẫy, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên thì cư trú ở vùng núi cao. Dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer do có phương thức lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công truyền thống nên định cư ở vùng sườn núi. Còn những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái và Kadai lại sinh sống tập trung ở vùng thung lũng, chân núi. Sự khác biệt về nơi ở và hình thức lao động sản xuất giữa các tộc người đã hình thành nên kho tàng văn hóa đa dạng, đặc sắc ở vùng Tây Bắc, trong đó nổi bật có không gian văn hóa của dân tộc Thái với điệu múa xòe hoa đẹp nổi tiếng.

Nhận thấy tiềm năng du lịch Tây Bắc là rất lớn, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của vùng, những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư phát triển du lịch Tây Bắc, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương thông qua du lịch. Trên cơ sở này, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cũng tăng cường công tác đối ngoại, tích cực đẩy mạnh các mối liên kết nhằm thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Đặc biệt, các tỉnh đã tích cực tham gia liên kết phát triển du lịch cả về chiều sâu và chiều rộng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tiêu biểu như: mô hình liên kết giữa ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn; mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn) trong chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên)…

Các đại biểu cũng đồng nhất quan điểm tuy tiềm năng, lợi thế du lịch Tây Bắc lớn nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm. Lý do chính là Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư, hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng chưa cao… Bởi vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch vùng Tây Bắc, các tỉnh trong vùng cần phải chủ động hơn nữa trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông; đổi mới môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển các sản phẩm du lịch đã có; hợp tác liên kết với các công ty lữ hành trong nước trong việc xây dựng các tour, tuyến mới, mang tính đặc trưng vùng miền; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trước mắt chú trọng vào loại hình văn hóa ẩm thực, tâm linh và sinh thái…

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được tham quan gian trưng bày giới thiệu du lịch Tây Bắc thông qua các ấn phẩm, tài liệu,…

 

Thanh Hải