Hà Nội và 4 tỉnh miền Trung liên kết phát triển du lịch
Cập nhật: 20/06/2010
Tại thành phố Huế đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch của 5 địa phương: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bình Định. Đây là một trong những yếu tố làm động lực góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế- xã hội của mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Hợp tác nhiều mặt

Những địa phương nói trên được xem là những điểm quan trọng về phát triển du lịch của cả nước. Sự hợp tác giữa các tỉnh, thành này sẽ là yếu tố để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời sẽ gắn kết, bổ sung cho nhau, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc và có chất lượng cao nhằm hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. Việc hợp tác sẽ được triển khai ở nhiều mặt, nhiều hướng nhằm phát triển một cách toàn diện. Trước hết, cần có sự trao đổi thường xuyên kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó chú trọng đến nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và công tác thanh tra, kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặt chi nhánh văn phòng đại diện du lịch ở các địa phương; cùng phối hợp nghiên cứu đề xuất, bổ sung cơ chế chính sách của Nhà nước về sự phát triển du lịch...

Một vấn đề cũng rất quan trọng là hợp tác đầu tư xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch. Các sản phẩm cần phù hợp với đặc thù về địa lý, tài nguyên, thị trường khách và cũng phải thể hiện được tính kết nối liên vùng có hiệu quả giữa các địa phương. Ông Mai Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng, việc hợp tác của 5 địa phương lần này không chỉ là riêng cho năm 2010, không chỉ dành riêng ở mảng nào mà kéo dài trong nhiều năm và ở mọi mặt của ngành du lịch.

Trước mắt, cả 5 tỉnh, thành sẽ cùng xây dựng một số chương trình tiêu biểu qua một số vùng kinh đô Việt cổ, chương trình du lịch thu hút khách caravan qua các cửa khẩu miền Trung để đi tiếp ra Bắc hay thu hút khách Trung Quốc qua cửa khẩu phía Bắc rồi đi vào miền Trung; khai thác tối ưu các dự án Con đường xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC)...

Kết nối các hãng lữ hành

Một vấn đề được đặt ra trong sự hợp tác về du lịch của 5 địa phương là sự kết nối giữa các hãng lữ hành ở các địa phương nói trên. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho rằng, các Sở VHTTDL phải làm đầu mối cho lữ hành các tỉnh để liên kết với nhau, như thế mới có thể “bắt tay” để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển tour du lịch qua các tỉnh, thành trong lần ký kết này cần gắn với tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” mà trước đó đã được thực hiện. Ông Nguyễn Hàng Quý- Giám đốc Công ty Lữ hành Hương Giang (Thừa Thiên- Huế) cho rằng, các đơn vị lữ hành có tâm huyết nên cùng ngồi lại hợp tác và bàn hướng phát triển, cùng lựa chọn và đào tạo hướng dẫn viên cho chương trình này.

Ông Trần Thành Công, Phó giám đốc Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) khẳng định, việc liên kết lần này sẽ là yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch phát triển và mở rộng tour, điểm du lịch. “Tất cả các điểm đến trong tuyến du lịch qua các địa phương này đều đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, như vậy chúng tôi có thể bán được sản phẩm du lịch cho khách. Ở một số tour, khách thường dừng chân rồi đi nơi khác nghỉ dưỡng nhưng ở trong tuyến này, khách có thể ở lại ít nhất 1 ngày đêm ở mỗi tỉnh”- ông Công khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Thành - Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, ký kết hợp tác phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch các địa phương phát triển nhưng không bị chồng chéo. Dẫn chứng là ở các tỉnh miền Trung có bãi biển rất đẹp nhưng nếu không có sự hợp tác, liên kết để phát triển và quy hoạch các bãi biển này thì sẽ dẫn đến sự hủy hoại. Vì thế các tỉnh miền Trung cũng đã từng bắt tay hợp tác, xác định bãi biển nào nên phát triển những loại hình dịch vụ nào cho phù hợp nên mới thu hút được lượng khách du lịch lớn.
VietnamPlus