Hà Nội: Phát huy ''đặc sản'' du lịch đêm
Cập nhật: 05/05/2023
Nhằm tạo sức hút đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế, thành phố Hà Nội đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Đến nay, nhiều sản phẩm trở thành “đặc sản” của du lịch Hà Nội, nhưng cũng có không ít sản phẩm hoạt động chưa hiệu quả, cần điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu của du khách.

Du khách trải nghiệm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Ảnh: Phạm Chiểu

Sản phẩm độc đáo của Thủ đô

Cuối tuần, phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) đông kín du khách. Anh Kevin Seymour, du khách người Anh cho biết, anh và nhóm bạn rất thích uống bia vỉa hè và dạo phố cổ Hà Nội buổi tối. “Hà Nội nên có nhiều không gian trải nghiệm tối cho du khách”, anh Kevin Seymour chia sẻ.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với nhiều hoạt động cả ban ngày và tối (triển khai thí điểm từ năm 2004) là sản phẩm du lịch đêm đầu tiên của thành phố Hà Nội. Đến nay, không gian đi bộ này đang hoạt động cùng với các không gian đi bộ khác là: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng).

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, số lượng người dân và du khách đến với các không gian đi bộ đạt khoảng 3-4 vạn lượt người trong những ngày cuối tuần, tăng đột biến vào những dịp lễ, Tết. Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, từ khi mở cửa trở lại đến nay, đã có gần 1.000 buổi biểu diễn nghệ thuật được tổ chức tại các không gian đi bộ của quận, trong đó có nhiều hoạt động diễn ra buổi tối, trở thành điểm hẹn cho người dân và du khách.

Ngoài các không gian đi bộ, từ năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhiều sản phẩm du lịch đêm Hà Nội đã hình thành. Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng” chính thức giới thiệu vào tháng 6-2021, duy trì hoạt động vào tối thứ sáu và bảy hằng tuần thu hút nhiều du khách. Hiện nay, Ban quản lý di tích đã cho ra mắt 3 phiên bản tour đêm, nhiều thời điểm du khách phải đặt trước gần 2 tháng mới có suất xem. Trong khi đó, Trưởng phòng phụ trách Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết, kể từ khi triển khai vào tháng 4-2021, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” duy trì vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, đến nay đã có khoảng 9.000 lượt người dân và du khách trải nghiệm khám phá.

Góp phần làm phong phú thêm cho sản phẩm tour đêm Hà Nội, tour văn học “Chữ tâm chữ tài” do Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Vietnam S.T.I.D ra mắt vào tháng 12-2022 mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hà Nội về đêm, giúp du khách hiểu hơn văn học Việt Nam với những câu chuyện cụ thể. Sản phẩm này diễn ra vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, thu hút khoảng 130 khách/đêm tham gia trải nghiệm.

Đổi mới để tránh đơn điệu

Mặc dù tạo ra sự khác biệt nhất định cho du lịch Hà Nội, nhưng không ít sản phẩm du lịch đêm vẫn tồn tại những bất cập. Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý phố đi bộ thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo thừa nhận, những hoạt động văn hóa, giải trí tại phố đi bộ thành cổ Sơn Tây chưa phong phú, thiếu không gian mua sắm, không gian ẩm thực.

Còn theo thống kê của quận Tây Hồ, sau 1 tháng khai mạc phố đi bộ Trịnh Công Sơn thu hút trung bình 6.000 khách/cuối tuần. Nhưng sau 3 tháng, số khách đến vui chơi giảm mạnh do ít hoạt động. Các sản phẩm du lịch đêm diễn ra tại những điểm du lịch như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học cũng gặp khó khăn trong việc làm mới do hạn chế về không gian và nhân sự...

Du khách tham gia hoạt động vui chơi tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Dũng

Để các sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút, hấp dẫn du khách quốc tế, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng cho rằng, các không gian đi bộ, điểm đến cần có những hoạt động trải nghiệm buổi tối khác biệt với ban ngày. “Nhu cầu trải nghiệm buổi tối của du khách thường thiên về ẩm thực, các hoạt động văn hóa, mua sắm, Hà Nội nên mở rộng những không gian này”, ông Lê Bá Dũng bày tỏ.

Ở góc độ đô thị, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, du lịch đêm sẽ hiệu quả khi có các không gian và sản phẩm du lịch đặc trưng. Riêng các phố đi bộ, tránh tình trạng “copy” mô hình khiến cho tuyến phố đi bộ na ná nhau. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu ý kiến, các điểm đến nên xây dựng nhiều phiên bản tour đêm khác nhau để đáp ứng những đối tượng khách khác nhau. “Cần có những phiên bản riêng cho người nước ngoài với trải nghiệm phù hợp và nội dung thuyết minh tiếng nước ngoài hấp dẫn. Để làm được điều này, ngoài việc tạo không gian trải nghiệm mới, các điểm đến cần đào tạo đội ngũ nhân sự, đưa thêm những ứng dụng công nghệ để hỗ trợ thông tin cho du khách”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Hiện nay, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch có nhiều sản phẩm du lịch đêm. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương, các tổ chức triển khai thêm sản phẩm du lịch phục vụ kinh tế đêm. Sở sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành cơ chế, quy định những điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm để các sản phẩm du lịch đêm hoạt động đúng quy định, hiệu quả, trở thành “đặc sản” của du lịch Thủ đô.

Hoàng Lân

 

Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 05/05/2023