Những điểm đến thú vị ở Thoại Sơn - An Giang
Cập nhật: 15/03/2023
Đồng ruộng mênh mông, vườn trái cây trĩu quả, non nước hữu tình... Thoại Sơn còn có những khu di tích cổ kính, làng nghề truyền thống, địa điểm "check-in" ấn tượng cùng những món đặc sản đồng quê hấp dẫn du khách gần xa...

Nhắc đến Thoại Sơn sẽ không thể bỏ qua những thắng cảnh đẹp và di tích nổi tiếng, như: Núi Sập, núi Ba Thê, Di chỉ Óc Eo, bia Thoại Sơn, chùa Linh Sơn hay Thiền viện Trúc lâm An Giang… Tất cả tạo cho Thoại Sơn rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc và tìm hiểu về di tích lịch sử.

Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Thoại Sơn mà du khách không thể bỏ qua chính là Khu du lịch lòng hồ núi Sập (thị trấn Núi Sập) với khu lòng hồ rộng khoảng 9ha, chia làm 3 hồ. Hồ lớn nhất được đặt tên là hồ Ông Thoại với làn nước trong veo, phẳng lặng, in bóng núi. Trên lòng hồ có những cây cầu bằng sắt sơn đỏ nối nhịp qua những tảng đá nhỏ riêng lẻ giữa hồ, như: Cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt. Giữa hồ là tượng Thoại Ngọc Hầu được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi chỉ tay về phía kênh Thoại Hà. 2 hồ còn lại tuy còn hoang sơ nhưng có vẻ đẹp riêng, rất thơ mộng và hữu tình, được ví như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” chắc chắn sẽ làm thỏa lòng du khách khi đến nơi này. Đặc biệt nhất ở hồ Ông Thoại là đàn cá tra màu hường và 6 con cá vồ cờ, loài cá quý hiếm có tên trong sách đỏ đang sinh sống.

Cách hồ Ông Thoại không xa nằm bên triền núi Sập là đình Thoại Ngọc Hầu cùng với bia Thoại Sơn được dựng vào năm 1822 trải qua thời gian vẫn giữ nguyên nét cổ xưa. Bia Thoại Sơn là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Thoại Ngọc Hầu dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) để đánh dấu kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình và ghi nhớ ý nghĩa công trình đào kênh Thoại Hà. Bia Thoại Sơn là một trong 3 công trình di tích lịch sử loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới triều đại phong kiến còn lưu lại cho đến ngày nay. Bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Năm 2013, Di tích lịch sử đình Thoại Ngọc Hầu được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn nằm trong “Tốp 100” điểm đến ấn tượng Việt Nam.

Dù mới chính thức khánh thành đưa vào hoạt động nhưng Thiền viện Trúc Lâm An Giang (thị trấn Núi Sập) được rất đông du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Thiền viện Trúc Lâm An Giang được xây dựng trên diện tích toàn khu vực gần 15ha, với 18 hạng mục chính, như: Chánh điện, nhà tổ, giảng đường, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, trai đường, nhà mát, tường rào sân vườn... trên tổng thể hài hòa non nước hữu tình khiến du khách luôn có cảm giác an yên, thư thái khi đến đây.

Tạm rời núi Sập, du khách chỉ cần di chuyển thêm 12km sẽ đến thị trấn Óc Eo là nơi lưu giữ nhiều điểm di tích mang dấu ấn văn hóa Óc Eo - Ba Thê, một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, với các điểm di tích văn hóa Óc Eo, như: Di tích Gò Cây Thị, di tích Linh Sơn Nam, di tích Gò Út Trạnh... Ngoài ra, du khách đừng bỏ qua núi Ba Thê cao 221m, có chu vi 4.220m. Núi vốn tên là Hoa Thủ Sơn, nhưng vào triều vua Minh Mạng vì kỵ húy Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên phải đổi thành Ba Thê. Giữa lưng chừng núi Ba Thê có một tảng đá lớn được người dân gọi là Thạch Đại Đao. Tương truyền trong một đêm mua sắm chớp, sét đánh trúng một tảng đá lớn làm vỡ tung và lộ ra cây đao bằng đá khổng lồ, người dân nhìn thấy nên dựng lưỡi đao lên để thờ cúng. Trên đỉnh núi Ba Thê còn có một ngôi chùa Sơn Tiên được xây dựng năm 1933, trước sân chùa có tượng Quan âm đứng trên tòa sen, bên phải chùa là hòn đá to có lưu dấu bàn chân tiên in trên mặt đá.

Nằm ở phía Bắc chân núi Ba Thê là chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự) nơi lưu giữ tượng Phật bốn tay huyền bí và cũng là điểm tựa tâm linh cho người dân trong vùng; theo các nhà khảo cổ, có niên đại trên dưới 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Hai bia đá và tượng Phật bốn tay là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam, đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích cấp quốc gia đặc biệt...

Ngoài cảnh đẹp non nước hữu tình cùng những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, Thoại Sơn còn có rất nhiều những món ăn ngon mà bất cứ du khách nào cũng sẽ yêu thích, như: Bún sả, bánh canh tép, bánh thốt nốt, khô cá lóc… với công thức thật đơn giản nhưng đi vào lòng của nhiều thực khách phương xa khi đến với vùng đất Thoại Sơn.

Hãy một lần đến với Thoại Sơn, vùng đất của núi, thiên nhiên, cây cỏ, lại gắn liền với nhiều công trình kiến trúc di tích văn hóa lịch sử của người xưa. Đến thăm Thoại Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh bình yên, mộc mạc và giản dị của vùng quê Tây Nam Bộ, được tìm hiểu những câu chuyện bí ẩn của vùng đất này từ buổi khai hoang.

Trọng Tin

Báo An Giang - baoangiang.com.vn - Đăng ngày 14/03/2023