Thừa Thiên Huế: Điểm đến phải hấp dẫn
Cập nhật: 24/02/2023
Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.

Du khách châu Âu có xu hướng tìm hiểu kỹ về văn hóa và di sản

Kết nối

Nhà ga hành khách T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục sau cùng. Nhà ga mới dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong quý II năm nay, đưa công suất của cảng từ 1,8 triệu lượt khách lên 5 triệu lượt khách/năm.

Như thế, “nút thắt” về vận chuyển hành khách nói chung và khách du lịch nói riêng đến Huế được tháo gỡ. Bởi lẽ, khó khăn về hàng không, như thiếu chuyến bay, giờ bay không thuận lợi, chi phí bay cao… là vấn đề mà suốt nhiều năm qua được xác định là “điểm nghẽn” của ngành du lịch Cố đô.

Các phân tích của ngành du lịch chỉ ra rằng, khoảng 82% khách quốc tế  đến Việt Nam bằng đường hàng không. Riêng với Thừa Thiên Huế, lượng khách du lịch qua Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đạt từ 30 - 40% trong tổng số hành khách sử dụng dịch vụ; trong đó, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa từ Hà Nội đến Huế chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt trung bình khoảng 45% trên tổng lượng khách trên mỗi chuyến bay.

Theo các doanh nghiệp, điểm đến có nhiều sản phẩm hấp dẫn sẽ thu hút du khách

Theo một doanh nghiệp hàng không, dù tỷ lệ hành khách đạt 30 - 40%, song khách du lịch lại là dòng khách ổn định, luôn đặt vé từ sớm thông qua các hãng lữ hành. Do đó, vai trò của khách du lịch chiếm vị trí quan trọng trong quá trình kinh doanh, hoạt động của các hãng hàng không hiện nay. Đó cũng là lý do mà một số hãng hàng không mới thành lập sau này hướng đến phục vụ riêng khách du lịch.

Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, chính vì sự quan trọng đó, để chuẩn bị đón đầu khi nhà ga T2 đưa vào khai thác, lãnh đạo tỉnh và sở vừa làm việc với các hãng hàng không Vietjet Air, Vietravel Airline để kết nối, xúc tiến hợp tác mở các đường bay mới đến Huế. Đồng thời, thông qua các hãng hàng không hỗ trợ quảng bá hình ảnh du lịch Cố đô trên các chuyến bay.

Thông tin rất khả quan là các hãng hàng không đều đồng ý sẽ mở thêm các đường bay, tăng tần suất các chuyến bay đến Huế; sẽ cùng với tỉnh kết nối và xây dựng chính sách cụ thể hơn để mở thêm các đường bay quốc tế đến Huế trong thời gian đến. Riêng hãng hàng không Vietjet Air cam kết sẽ mở một số đường bay quốc tế ở các thị trường gần, như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến với Huế ngay trong quý II năm nay. Thực hiện việc nối chuyến từ Huế đến TP. Hồ Chí Minh sang Úc và ngược lại.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục làm việc với các hãng hàng không trong nước để có những kết nối, hợp tác để tiến đến mở thêm chuyến bay, tăng cơ hội đưa khách đến với Huế.

Đồng bộ các giải pháp

Nhà ga mới đưa vào khai thác là tín hiệu tích cực mới cho Huế. Chủ động kết nối là điều mang tính chủ động cần thực hiện. Nhưng để dịch vụ vận chuyển hàng không có trở thành động lực mới cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế thì cần đặt ngược lại vấn đề là khi công suất của cảng hàng không tăng, thì nguồn khách có tăng lên theo tương ứng.

Làm gì để du khách đến với Huế nhiều hơn khi mở cửa bầu trời? Như đánh giá của Vietnam Airlines tại Huế, thực tế cho thấy, nguồn khách công vụ, thăm thân sẽ không có nhiều biến động mà luôn giữ mức ổn định. Thay đổi nhiều nhất và điều khiến các sân bay nhộn nhịp phải là dòng khách du lịch.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Chi nhánh, Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Huế cho rằng, với xu hướng cạnh tranh về hàng không hiện nay, không còn mang tính độc quyền như trước, thì mỗi hãng hàng không sẽ luôn có giải pháp để thu hút khách sử dụng dịch vụ của mình. Nhưng điều cần phân tích rõ hơn là, hàng không là cầu nối mang khách đến với các điểm du lịch hấp dẫn với khách. Điểm đến du lịch có hấp dẫn thì nhu cầu khách đến nhiều, các hãng hàng không tăng tải, tăng chuyến để phục vụ. Ngược lại, hàng không có mở tuyến, tăng chuyến, sân bay tăng công suất phục vụ mà điểm đến không hấp dẫn thì cũng không có khách.

“Do đó, nội hàm quan trọng nhất là cần đánh giá du lịch Huế đã thật sự hấp dẫn hay chưa. Các sản phẩm du lịch đã đa dạng, điểm đến với những dịch vụ bắt kịp với xu hướng hay chưa? Khi những yếu tố trên Huế đáp ứng được thì hàng không sẽ có cơ hội để tận dụng cơ hội”, ông Tuấn nêu vấn đề.

Phía Công ty du lịch Vietravel cũng đồng tình về tăng thêm các sản phẩm cho điểm đến, phần lõi để tăng sức hút của điểm đến. Trong thời gian đến, Vietravel sẽ hỗ trợ Huế tổ chức một số lễ hội về ẩm thực, diễu hành xe cổ trong khuôn khổ lễ hội bốn mùa. Xúc tiến nhanh hơn việc đầu tư, xây dựng bảo tàng ẩm thực cho Cố đô…

Một giải pháp khác được lãnh đạo ngành du lịch tập trung thực hiện trong thời gian đến là, tăng cường kết nối với các hãng lữ hành lớn ở hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để cùng phối hợp, bàn giải pháp đưa khách đến với Huế. Ngành sẽ lắng nghe các doanh nghiệp để xây dựng các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, tìm kiếm các nguồn khách nội địa thông qua các chuyến làm việc với các vùng du lịch trọng điểm trong thời gian đến.

Chủ động các giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng khi cảng hàng không tăng công suất khai thác, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh rằng, quan trọng là mở được các đường bay quốc tế. Trước mắt có thể nghiên cứu và tổ chức các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến), như tổ chức thí điểm đến Thái Lan và ngược lại vừa qua. Từ đó từng bước tiến đến các chuyến bay thương mại.

Bài, ảnh: Quang Sang

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 23/02/2023