Tỉnh Lào Cai hiện nay có hệ thống chợ phiên phong phú, phân bổ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nhiều chợ phiên nổi tiếng như: Chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên Cán Cấu…
Một chợ phiên vùng cao - Ảnh: VGP/Nhật Thy
Đối với làng nghề truyền thống, đến hết tháng 10/2021, Lào Cai có 47 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 3 nhóm chính, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may… Nhiều làng nghề bước đầu thu hút khách du lịch và có nhiều tiềm năng khai thác như: Nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc…
Qua đánh giá, một số chợ phiên đã là điểm đến nổi tiếng, được tạp chí nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, một số chợ phiên đang bị mai một về bản sắc văn hóa; các chợ phiên đều tương đồng nhau, chưa có sự khác biệt; hình thức tổ chức sản xuất của nghề thủ công truyền thống chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, chưa trở thành làng nghề. Các hộ dân tham gia sản xuất chưa có kỹ năng phục vụ khách hàng.
Tại Hội thảo đánh giá thực trạng, tiềm năng và định hướng khai thác phát triển sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên và làng nghề truyền thống dân tộc thiểu số tại Lào Cai, Sở Du lịch Lào Cai tổ chức mới đây, các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực, thẳng thắn, đánh giá đúng thực trạng và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch đặc thù của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các ý kiến tập trung vào một số nhóm giải pháp cụ thể như: Quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống, theo hướng ưu tiên sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống. Quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Bảo tồn và đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống. Nghiên cứu gắn kết giữa chợ phiên và ẩm thực để xây dựng sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên và làng nghề trên hệ thống truyền thông trong và ngoài nước.
Thời gian qua, Lào Cai đã xây dựng, phát triển một số nhóm sản phẩm du lịch đặc thù như: Sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch gắn với di sản, sản phẩm du lịch khám phá văn hóa vùng cao, sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, sản phẩm du lịch gắn với nghề thủ công truyền thống.
Để phát triển các sản phẩm du lịch vùng cao, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn như: Cho vay hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch địa phương; chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Việc phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số đã tạo việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân. Từ năm 2021 đến tháng 6/2022 đã giải quyết việc làm cho gần 22.400 lao động, trong đó 12.730 là lao động dân tộc thiểu số, khoảng 8000 lao động được giải quyết việc làm trong lĩnh vực du lịch.
Phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân là giải pháp đúng đắn, thiết thực nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân vùng cao, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển bền vững./.
Nhật Thy