Những công trình kiến trúc độc đáo ở đô thị cổ ngày càng được đánh giá cao và được coi là chất liệu tốt để phát triển du lịch thành công ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở Tiên Yên, đó là những công trình kiến trúc Pháp độc đáo, còn khá nguyên vẹn; những nếp nhà xưa cũ, kiến trúc cổ theo lối phương Đông, phương Tây đan xen tạo nên bức tranh kiến trúc đa dạng...
Nhiều công trình kiến trúc độc đáo
Nằm ở vùng đất ngã ba sông, Tiên Yên là một đô thị cổ, hình thành từ lâu đời, có nhiều nét đặc trưng về cảnh quan, giàu bản sắc văn hóa. Trải qua quá trình lịch sử, Tiên Yên là nơi hội tụ và để lại di sản với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Điều này, tạo nên sức hấp dẫn, vẻ đẹp riêng có mà ít nơi có được.
Di tích Đồn Cao là công trình kiến trúc Pháp độc đáo.
Trước hết, đó là các kiến trúc Pháp cổ được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 20, tập trung tại khu vực thị trấn Tiên Yên. Một số công trình còn được bảo tồn đến ngày nay như: Di tích Khe Tù với khu bệnh viện Pháp; khu vực Đồn Cao có tòa nhà Pháp cổ mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu những năm cuối thế kỷ trước (hiện do Đoàn kinh tế Quốc phòng 327 quản lý); Tòa nhà Kiểm lâm thời Pháp còn khá nguyên vẹn, xây từ năm 1914 (nay là trụ sở Huyện ủy Tiên Yên)...
Điều đáng nói là các kiến trúc này còn lưu giữ được nhiều nét đẹp. Ở di tích Khe Tù, đó là bệnh viện được xây theo kiểu nhà kiến trúc Pháp, có quy mô khá rộng, gồm 3 dãy nhà. Một dãy nằm ngang với Quốc lộ 18A, dãy thứ hai được nối với nhà thứ nhất tạo thành một góc vuông, tiếp theo là một dãy nhà nằm dọc với đường Quốc lộ 18A.
Các dãy nhà đều được xây theo một kiến trúc giống nhau, mang đậm nét văn hóa kiến trúc Pháp với hệ thống cửa vòm độc đáo, khác biệt với những kiến trúc khác. Với Đồn Cao, kiến trúc Pháp ở đây là dãy nhà có chiều dài khoảng 25m, rộng khoảng 15m với nhiều cửa và cửa sổ. Dưới chân Đồn Cao là các hệ thống hầm với các khung cửa sắt hiện nay vẫn bảo vệ và lưu giữ được.
Ngoài giá trị kiến trúc, các di tích còn ghi dấu, là nhân chứng lịch sử một thời kỳ. Đơn cử như Đồn Cao là nơi diễn ra trận đánh oanh liệt kéo dài 7 ngày, đêm của quân dân địa phương phối hợp với quân chiến khu Đông Triều, đã đánh bại bọn thổ phỉ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tiên Yên. Hay là dấu tích còn lại của một thời thực dân Pháp ở Tiên Yên như di tích Khe Tù, Tòa nhà Kiểm lâm
Không chỉ vậy, Tiên Yên còn thu hút du khách bởi sự yên bình, trầm mặc của đô thị cổ, nằm kề bờ sông Tiên Yên thơ mộng. Dạo phố cổ, Tiên Yên chắc hẳn đọng lại trong du khách là hình ảnh những ngôi nhà 2 tầng có trần gỗ, nhỏ, xinh xắn. Đây là sản phẩm giao thoa văn hóa từ khi người Hoa sinh sống, buôn bán tại đây, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.
Phố đi bộ Tiên Yên tái hiện không gian xưa cũ với các công trình kiến trúc cổ, tạo được sức hấp dẫn riêng có.
Kiến trúc này đặc trưng và được đánh giá cao bởi sự nguyên vẹn của các dạng nhà mái âm dương, mái đen, tường trát vôi, nhà và khung bằng gỗ, lòng sâu, có giếng trời ở sân sau... Tường nhà xây bằng đá hoặc gạch đỏ, chiều dày khoảng 40cm, trần nhà và cầu thang thường bằng gỗ. Nhiều căn nhà vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn.
Ngoài ra, quanh phố cổ còn có các công trình kiến trúc của người Việt cổ, tiêu biểu như Linh Quan tự ở phố Đông Tiến, có cách đây hơn 150 năm. Tất cả đều hòa nhịp với quá trình lịch sử, tạo nên một giá trị đặc sắc, là nguyên liệu cho phát triển du lịch trong tương lai.
Làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị?
Không chỉ tạo được nét đẹp, giá trị riêng biệt, các sản phẩm du lịch địa phương gắn liền với các công trình trên ngày càng có sức hút lớn đối với du khách. Xác định được yếu tố này, Tiên Yên cũng tập trung bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ du lịch. “Trên cơ sở các giá trị này, thời gian qua, huyện Tiên Yên đã quan tâm, tập trung giữ gìn, bảo tồn và phát huy, đưa vào phục vụ phát triển, thêm sức hút cho du lịch. Mong rằng sẽ biến những giá trị đó thành các nguyên liệu phát triển du lịch như nhiều địa phương đã thành công” - ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, chia sẻ.
Theo đó, thời gian qua, huyện Tiên Yên đã quan tâm, nỗ lực bảo tồn và bước đầu phát huy được những giá trị riêng có đó. Tiên Yên đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo khoa học làm rõ, định vị giá trị làm cơ sở cho các chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên. Gần nhất là năm 2019 với Hội thảo đánh giá về giá trị di tích Khe Tù có sự tham gia của những nhân chứng lịch sử hiếm hoi.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho du lịch tạo được sức hấp dẫn đặc biệt.
Ngoài ra, các di tích, công trình kiến trúc cũng đã được các cơ quan chức năng quan tâm bảo vệ, bảo tồn. Tiêu biểu là Tòa nhà Kiểm lâm đã được bảo tồn, tôn tạo khang trang thành trụ sở Huyện ủy; tòa nhà Đồn Cao do Đoàn kinh tế Quốc Phòng 327 quản lý, cũng đã được đầu tư hơn 400 triệu cải tạo diện mạo...
Đáng chú ý nhất chính là việc xây dựng Đề án và triển khai thành công tuyến phố đi bộ trên 2 khu phố của thị trấn Tiên Yên. Nhờ đó, sản phẩm du lịch Phố đi bộ Tiên Yên trên cơ sở phát huy giá trị của các công trình, nét xưa cũ của phố cổ với ý tưởng chủ đạo là hồn xưa, nét cũ... ra đời và thành công. Trong đó, huyện cũng đưa vào kế hoạch mua lại 1 căn nhà cổ, đồng thời trang hoàng lại bề ngoài một số căn khác, nhằm tái hiện không gian sinh hoạt xưa, trưng bày giới thiệu các giá trị xưa cũ tới du khách.
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, Tiên Yên bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này. Đáng kể nhất là việc hoạt động nhộn nhịp và đưa phố đi bộ thành điểm đến hút khách, đạt khoảng 100 nghìn tới 130 nghìn lượt khách/năm, trong giai đoạn từ 2017-2019. Trong đó, các giá trị về kiến trúc cổ trong lòng phố đi bộ đã thu hút sự chú ý, tạo nên nét riêng biệt cho sản phẩm du lịch này.
Đồng thời, huyện Tiên Yên cũng định hướng, tính tới khả năng kết nối, hình thành tuyến, điểm tham quan lịch sử ý nghĩa trên cơ sở kết nối các điểm, di tích thắng cảnh Khe Tù - trụ sở Huyện uỷ - Đồn Cao. Các tuyến điểm tham quan này có thể hỗ trợ bổ sung cho nhau, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, giữ chân du khách.
Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các công trình kiến trúc này ngày càng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ngoài trụ sở Huyện ủy, cả 2 di tích Khe Tù và Đồn Cao đều có điểm chung là mang giá trị lớn, riêng có nhưng đều thuộc phạm vi đất quốc phòng. Vì thế, dù đã được chỉnh trang nhưng di tích Đồn Cao lại khá khó khăn trong việc kết nối, tiếp cận.
Với di tích Khe Tù, dù ngày càng xuống cấp nhưng khó tiếp cận bảo tồn, phát huy do còn vướng nhiều về thủ tục pháp lý. Bởi thế việc bảo tồn, tôn tạo hoặc xa hơn là thúc đẩy đầu tư kinh phí, phát huy giá trị cần có sự phối hợp của địa phương và cơ quan quản lý là Quân khu 3.
Với các công trình ở thị trấn Tiên Yên, đặc biệt trong khu phố đi bộ có những điểm khó riêng trong việc bảo tồn. Hầu hết các căn nhà cổ ở đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rỗng tường, thiếu an toàn cho cư trú và đang dần biến mất do được cải tạo hoặc đập bỏ xây mới. Cho tới nay, số công trình dạng này ở thị trấn chỉ còn lại khoảng 20 căn.
Với phương án mua lại để bảo tồn và phát huy thì sẽ rất khó bởi hiện giá nhà, đất ở đây rất cao, lên tới hàng tỷ đồng/căn. Vì thế, phương án “nhà nước và nhân dân cùng làm” như một số nơi đã thành công, xem ra là một giải pháp hợp lý. Tức là huyện chọn một số căn nhà cụ thể, phối hợp với một số hộ dân tâm huyết để tôn tạo, bảo tồn phục vụ du lịch. Để hoàn thiện việc này cần có cơ sở rõ ràng và tính thuyết phục cao cũng như tính toán cụ thể về kinh phí.
Du khách thích thú với các công trình, địa điểm gợi lại các giá trị xưa cũ ở phố đi bộ Tiên Yên.
Có thể khẳng định, giá trị độc đáo, riêng có, góp phần tạo ra sức hút cho sản phẩm du lịch của các di tích, công trình này. Và một điểm thuận lợi là các điểm này nằm trên không gian, phạm vi của thị trấn Tiên Yên, nơi có nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch, trong đó phố đi bộ đang rất hút khách... Việc kết nối các tuyến điểm, vừa bảo tồn vừa mở rộng phố đi bộ về phía phố Quang Trung, đường bờ sông... tạo thành các sản phẩm mới là khá thuận lợi.
Vì thế để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, công trình này tốt hơn cần sự vào cuộc tích cực, tính toán phương án, bố trí nguồn lực thật hợp lý của địa phương cũng như sự quan tâm đầu tư nguồn lực, hỗ trợ của cơ quan cấp trên về chuyên môn, về kết nối với các cơ quan chủ quản của di tích.
Tạ Quân