Do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, nhiều lao động trong ngành du lịch trước đây đã chuyển sang làm việc khác. Các đơn vị kinh doanh du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực bổ sung nhân lực để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, 2 năm nay, hầu hết hướng dẫn viên và nhân viên làm việc trong ngành du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế tìm công việc mới để mưu sinh. Từ giữa tháng 3 vừa qua, sau khi kiểm soát được dịch, ngành du lịch mở cửa trở lại, nhiều người đã trở lại nghề nhưng không ít người chưa sẵn sàng hoặc đã có công việc mới ổn định. 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Tường Vân dù vốn thâm niêm hơn 13 năm là hướng dẫn viên du lịch tại Huế chuyển sang bán bảo hiểm.
Cập nhật kiến thức cho nhân viên du lịch.
Vừa quay trở lại với nghề, Tường Vân tham gia khóa tập huấn do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức: “Sau hai năm, dù dịch bệnh không có khách nhưng vẫn có những khóa đào tạo, cập nhật thường xuyên. Như vừa rồi, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế có những khóa đào tạo giúp cho hướng dẫn viên trao dồi thêm kiến thức sau một thời gian dài nghỉ dịch. Dù dịch bệnh nhưng kiến thức của hướng dẫn viên vẫn luôn cập nhật, khi quay trở lại là kiến thức vẫn được phát huy”.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đón gần 600.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách lưu trú ở khách sạn chiếm hơn một nửa. Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 vừa qua, dù các doanh nghiệp đã bổ sung nhân lực nhưng chỉ đáp ứng 60%- 65% nhu cầu của du khách. Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, sau đà phục hồi nguồn khách nội địa, khách quốc tế đang có tín hiệu tích cực nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp du lịch ở Huế đang ở mức trung bình.
“Chúng tôi tăng cường kết nối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Huế là trung tâm đào tạo chất lượng cao về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực du lịch. Những ngành dịch vụ khác liên quan thì chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ sớm được khắc phục và có sự phát triển tốt hơn. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta cơ cấu, nhìn nhận lại và nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực du lịch” - bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy nói.
Dạy chế biến món ăn tại 1 cơ sở đào tạo.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết đến nay, nhân lực ngành du lịch của địa phương này giảm gần 1 nửa. Nhiều nhân sự cao cấp, trung cấp trong ngành giờ đã ổn định với công việc mới.
Khi du lịch mở cửa trở lại, ngành du lịch Thừa Thiên Huế có nhiều giải pháp chuẩn bị nhân lực như kết nối với các trường đại học, cao đẳng có ngành du lịch để đào tạo nhanh; đồng thời hợp đồng ngắn hạn với những người có chuyên môn cao khi cần. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp để nắm bắt xu thế, thị hiếu của du khách và có định hướng phát triển phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đơn vị phối hợp với các cơ sở đào tạo, liên tục mở các lớp đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực cho các khách sạn và doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn: “Hiện nay, lực lượng lao động đang hoạt động trong các doanh nghiệp du lịch khoảng 7.000 người, đáp ứng cơ bản nhu cầu du khách khi đến Huế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp phải ráo riết tập huấn và tuyển dụng trở lại lực lượng lao động phục vụ cho khách du lịch quốc tế. Khoảng tháng 10, khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Việt Nam, đặc biệt là đến Huế và miền Trung sẽ đông hơn. Đây cũng là cơ hội để cho ngành du lịch trong thời gian tới”./.
Lê Hiếu