Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Văn hoá UNESCO
Cập nhật: 24/04/2020
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa ở mọi cấp độ , từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu, UNESCO đã tổ chức Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Văn hoá vào ngày 22/4/2020.

Hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng và đại diện Bộ Văn hoá, cơ quan văn hoá từ hơn 130 các nước thành viên và quan sát viên của UNESCO. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá về tác động của đại dịch đối với lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo, đồng thời chia sẻ các chính sách, biện pháp ứng phó của quốc gia mình trước những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành văn hoá.

PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh được phát hiện tại Vũ Hán, Chính phủ Việt Nam đã tập trung nỗ lực cao nhất để phòng chống dịch, đặt tính mạng người dân làm ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế. Nhờ đó, cho đến nay, tại Việt Nam mới có 268 người nhiễm Covid-19, hiện chưa có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết tác động của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện diện ở mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Do tiềm lực còn hạn chế, hiện Việt Nam chưa có gói cứu trợ riêng cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhưng các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, các cá nhân nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có thể nhận được sự hỗ trợ từ các gói chung của Chính phủ, dưới hai hình thức trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập… và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của UNESCO triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa trực tuyến để ứng phó với đại dịch Covid, thể hiện tinh thần trách nhiệm, và sự sẻ chia của lãnh đạo văn hóa nghệ thuật các nước trước khó khăn chung trên toàn cầu và kiến nghị UNESCO trước mắt có thể tiến hành một nghiên cứu toàn diện, tổng thể về tác động của dịch Covid-19 đối với các tổ chức văn hóa nghệ thuật – sáng tạo trên thế giới và các biện pháp mà Chính phủ các nước, các doanh nghiệp, nhà bảo trợ thực hiện, đưa ra khuyến nghị, đề xuất với Chính phủ các nước. Đồng thời Việt Nam cũng kêu gọi các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật nói chung và các quỹ khẩn cấp ứng phó với khủng hoảng có thể mở rộng đối tượng thụ hưởng cho các nghệ sỹ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật từ các nước đang phát triển, ưu tiên dự án chung hợp tác giữa các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ và thực hiện các Chương trình nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa - nghệ thuật tại các nước đang phát triển về quản lý và quản trị văn hóa nghệ thuật, đẩy mạnh khai thác ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động văn hóa -nghệ thuật.

Đại dịch toàn cầu Covid 19 lan rộng hơn 200 nước trên thế giới đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, làm thay đổi thói quen, lối sống của từng người dân, không phân biệt trình độ phát triển, sắc tộc, tuổi tác, giới tính…Văn hóa, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề và tức thời của đại dịch khi tất cả các lễ hội văn hóa bị ngừng tổ chức, các nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, phòng tranh, các không gian công cộng buộc phải đóng cửa. Việc thực hành giãn cách xã hội một thời gian dài rất có thể sẽ ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của con người đồng thời hình thành những hình thức biểu đạt mới thời hậu Covid.

Trần Hải Vân

icd.gov.vn