Covid-19 bùng phát, nhiều dịch vụ du lịch tạm dừng, người dân ở trong nhà để cách ly xã hội. Tuy nhiên, đó lại là những yếu tố thuận lợi cho loại hình “du lịch số” tăng tốc phát triển.
Tham quan thực tế ảo
Nếu như trước đây, việc tham quan bằng thực tế ảo chỉ được các “tín đồ” đam mê xê dịch dùng để tham khảo, thì nay lại là những trải nghiệm được yêu thích khi họ buộc phải “chôn chân” ở nhà. Nổi bật nhất phải kể đến xu hướng số hóa các bảo tàng từ nhiều năm trước, nay phát huy tối đa hiệu quả khi được nhiều người hồ hởi đón nhận trên nền tảng Google Arts and Culure.
Tận dụng thời cơ từ việc giãn cách xã hội do Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu, Google Arts and Culure đã miễn phí các chuyến tham quan ảo tới hơn 2.500 bảo tàng, phòng trưng bày và nhà hát opera trên thế giới. Trong đó, có rất nhiều bảo tàng nổi tiếng như Tate Modern, British Museum của Anh; Van Gogh, Rijksmuseum của Hà Lan; Museum of Modern Art, Whitney, Metropolitan của Mỹ; Hermitage của Nga...
Du lịch “đóng băng”, nhưng công nghệ thực tế ảo cho phép các bảo tàng vẫn có thể "mở cửa", thực hiện thành công những buổi triển lãm trực tuyến hấp dẫn và sống động. Tại Pháp, 14 bảo tàng của thành phố Paris dùng công nghệ số để giới thiệu với công chúng hơn 320.000 tác phẩm đủ loại với màu sắc rõ nét thông qua một cổng thông tin chung...
Việc tổ chức các cuộc triển lãm trực tuyến cho thấy sự thích ứng nhanh của nhiều đơn vị nghệ thuật quốc tế trước thời cuộc.
Du lịch qua màn ảnh nhỏ
Trong bối cảnh phải hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, không thể tổ chức các lễ hội văn hóa, du lịch theo hình thức truyền thống, nhiều quốc gia đã triển khai hoạt động “du lịch số”.
Đơn cử, để đưa tới người dân và du khách toàn cầu hình ảnh tuyệt đẹp của hoa anh đào, chính quyền Mỹ và Nhật Bản đã kêu gọi người dân ở nhà ngắm hoa qua hệ thống camera 24/7, để tránh tụ tập đông người. Chế độ xem trực tiếp cho phép du khách ngắm hoa bất cứ khi nào mình muốn và ở bất cứ khu vực nào có gắn hệ thống camera.
Không chịu “đóng băng”, các website du lịch nổi tiếng, như Amazing Việt Nam, Lonely Planet, chương trình "Dọc đường ẩm thực" trên ứng dụng POPS, hay chuyên mục du lịch của CNN... cũng tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.
Amazing Việt Nam được đánh giá là trang thông tin phong phú về văn hóa, du lịch trên dải đất hình chữ S, đưa người xem khám phá những miền quê gắn với các giai thoại nổi tiếng và cả các vùng đất ít người đặt chân đến. Còn chương trình "Dọc đường ẩm thực" lại giúp khán giả tìm hiểu những món ăn đậm chất đường phố, vùng miền... qua những hình ảnh sinh động, mới lạ.
Lonely Planet, nhà xuất bản tư nhân chuyên về du lịch lớn nhất thế giới, cũng ồ ạt tung ra kinh nghiệm du lịch rất chi tiết và hữu ích về du lịch cho độc giả.
Trang web TripAdvisor được xem là cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới, lại tập trung đưa đến bạn đọc những cẩm nang đầy đủ thông tin cho những ai muốn đi du lịch. Điều đặc biệt là du khách có thể tương tác bằng cách đặt những câu hỏi về điểm đến, khách sạn, phương tiện đi lại, hay bất cứ đều gì liên quan đến du lịch. Tất cả sẽ được giải đáp từ chính những người đã trải nghiệm thực tế.
Từ thực tế “du lịch số” lên ngôi trong thời Covid-19, ngành “kinh tế xanh” Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa, nhằm cung cấp dịch vụ thuận tiện nhất cho du khách.
Việc số hóa bảo tàng nói riêng, du lịch nói chung chưa bao giờ trở nên cần thiết và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên khắp thế giới như lúc này. Việc này không những cung cấp thêm một kênh giải trí, mà còn phần nào thỏa mãn khát khao khám phá, du lịch của người dân, đồng thời được xem là giải pháp của các đơn vị nghệ thuật, các điểm đến du lịch trước khó khăn của mùa Covid-19.
Hạnh Nguyên