Bình Thuận: Hướng đến du lịch sinh thái rừng, biển đảo
Cập nhật: 09/04/2020
Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1792/2012 ra đời đến nay gần 9 năm. Quá trình thực hiện đề án, du lịch tỉnh nhà đã có những bước khởi sắc, mang tính đột phá, nhờ vậy doanh thu và lượng khách đến Bình Thuận tăng dần theo từng năm.

Mũi điện Kê Gà (Hàm Thuận Nam) sẽ là điểm đến lý thú của du lịch biển đảo. Ảnh: Đ.Hòa

Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết số 09/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận và Quyết định 1772/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của đề án để du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm trong tương lai. Về sản phẩm du lịch, đề án nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Dựa vào lợi thế của tài nguyên du lịch, loại hình du lịch văn hóa, lễ hội – sự kiện, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao mạo hiểm trên cát – biển, sinh thái rừng - biển – đảo, du lịch thương mại – hội nghị - hội thảo. Những nội dung này đã được triển khai khá tích cực trong thời gian vừa qua, để tạo sự phong phú cho sản phẩm du lịch, đề án bổ sung tổ chức tour du lịch nghiên cứu, điều dưỡng bệnh suối khoáng nóng, thể thao biển, thể thao trên cát, du lịch caravan quốc tế nhằm kéo dài ngày lưu trú của du khách và tăng cơ cấu chi tiêu, doanh thu du lịch, đồng thời tạo sự hấp dẫn để thu hút du khách quay trở lại với Bình Thuận. Chính vì vậy, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) tại khu vực rừng dầu, xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc và xã Hồng Phong, Bắc Bình.  Cùng với đó là bổ sung loại hình sinh thái dã ngoại, thám hiểm, leo núi, thể thao mạo hiểm trên hồ, núi dọc tuyến đường Tà Năng – Phan Dũng (Tuy Phong); khu vực núi Long, hồ Biển Lạc (Tánh Linh); du lịch tham quan di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật như Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận, Thiền viện Từ Lâm ở xã Đông Giang, Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc).

Vịnh Triều Dương (Phú Quý). Ảnh: Đ.Hòa

Đối với chiến lược về bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch: triển khai thực hiện chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các vùng bảo tồn thiên nhiên; thực hiện lồng ghép có hiệu quả mục tiêu bảo tồn với việc khai thác phát triển du lịch. Tỉnh sẽ có chính sách cụ thể để thu hút các thành phần trong xã hội tham gia vào bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Núi Ông, bảo tồn biển đảo Phú Quý và Cù Lao Câu, khu vực rừng dầu ở Hồng Liêm. Đồng thời bảo vệ diện tích rừng hiện có, trồng rừng và gia tăng độ che phủ rừng, phát triển rừng phòng hộ ven biển, chống sa mạc hóa. Với các di tích văn hóa lịch sử thực hiện tôn tạo và nâng cấp các danh thắng. Bảo tồn và phát triển các lễ hội, văn hóa – nghệ thuật truyền thống, là tài nguyên nhân văn độc đáo để phát triển du lịch Bình Thuận.

Đáng chú ý, với vùng du lịch Bắc Bình – Tuy Phong và vùng du lịch Hàm Thuận Bắc – Đức Linh – Tánh Linh sẽ có thêm loại hình, sản phẩm du lịch Safari, công viên giải trí, công viên chuyên đề. Tương tự đối với du lịch sinh thái – rừng – biển đảo thêm phần tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, khám phá những hồ, thác đẹp nổi tiếng ở Bình Thuận và lặn khám phá đại dương, đi tàu đáy kính ngắm san hô.

Với những nội dung bổ sung cho thấy Bình Thuận sẽ trở thành điểm đến khá hấp dẫn với nhiều loại hình đa dạng, phong phú trong tương lai gần, nếu có sự quyết tâm, đồng hành của các ngành và địa phương trong tỉnh.

Như Nguyễn

Báo Bình Thuận