Khám phá quần thể làng nghề Việt ở TP. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 25/02/2016
Trong khu đô thị quận 2 hiện đại của TPHCM, có một không gian rộng hơn 2.000m² nằm giữa những căn biệt thự xa hoa chứa đựng 12 nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam…

Khu vực này là của chị Phan Đình Trâm Anh, một con người “nặng” duyên với làng nghề truyền thống Việt Nam. Vào ban ngày, khi mới bước vào nơi đây, du khách sẽ được nghe những giai điệu truyền thống. Tiếp tục dạo một vòng, du khách sẽ có dịp tham quan 12 mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như: Mây tre đan, lục bình đan, sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ, nghệ thuật đất sét…


Tuy không gian không được rộng lớn nhưng điều khiến du khách thích thú chính là được chiêm ngưỡng và tự tay trải nghiệm các công đoạn làm ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Tại khu vực làm tranh sơn mài, du khách khá thích thú với các công đoạn ban đầu của một bức tranh sơn mài. “ Lần đầu mình được nhìn tận mắt nhìn thấy người ta làm tranh sơn mài. Mình rất thích cách người thợ ấn vỏ trứng xuống lớp sơn rồi tạo hình, mình cũng mới biết vỏ trứng có thể làm tranh sơn mài…”, chị Hoàng Thúy Vân ( Việt kiều Pháp), chia sẻ.

Gây ấn tượng mạnh nhất chính là nghệ nhân làm gốm sứ Bình Dương. Anh Trịnh Hùng (quận 7) thích thú nói: “Mình xem quy trình làm gốm sứ Bình Dương qua ti vi cũng nhiều nhưng nhìn nghệ nhân nặn gốm thực tế bên ngoài mình thấy thích hơn”.

Tại khu vực nặn hoa đất, rất nhiều du khách thắc mắc tại sao nghệ nhân nặn ra những ổ “bánh mì thịt nướng”. Người nghệ nhân nhanh nhẩu đáp: “Bánh mì thịt nướng của Việt Nam được các tạp chí quốc tế công nhận là một trong 50 món ăn đường phố hấp dẫn nhất. Ngoài ra, mình còn nặn bánh xèo, gỏi cuốn, phở bò…những món ăn dân dã của Việt Nam…”.

Nằm bên cạnh bờ sông Sài Gòn, ngoài phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, ngôi làng nhỏ của chị Trâm Anh còn mang giá trị văn hóa đặc biệt, góp phần gìn giữ và duy trì những tinh hoa của làng nghề Việt.

Dân trí