Các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng
Cập nhật: 25/05/2015
(TITC) – Sáng ngày 25/5/2015 tại khách sạn Hòa Bình (27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng.

Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình chủ trì hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình, Đỗ Thị Hồng Xoan, Nguyễn Quang Lân, Nguyễn Quốc Thành; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh; đại diện doanh nghiệp du lịch đến từ các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; các cơ quan thông tấn báo chí…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch HHDL Vũ Thế Bình đã trình bày báo cáo về tình hình Du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, do phải chịu ảnh hưởng từ những bất ổn của khu vực biển Đông và một số vùng trên thế giới (Nga, Ukraina); sự biến động giá cả của nền kinh tế thế giới; cùng một số chính sách mới của Việt Nam như chế độ visa mới, xóa bỏ loại hình đón khách quá cảnh, siết chặt thủ tục visa đối với khách du lịch tàu biển… nên nhu cầu đi du lịch và lượng khách du lịch đến Việt Nam sụt giảm với tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 34,8% (năm 2010) xuống còn 4% (năm 2014). Từ tháng 6/2014 đến tháng 4/2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam là -12,8%. Trong khi đó, lượng khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (outbound) vẫn tăng khoảng 10%/năm, thể hiện rõ xu hướng hướng ngoại của khách Việt. Bên cạnh đó, phải kể đến những nguyên nhân chủ quan khiến vai trò của các cơ quan quản lý du lịch và hình ảnh du lịch Việt Nam trở nên ngày càng mờ nhạt như: cơ chế quản lý bất cập; công tác xúc tiến thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan tham gia làm giảm tính tập trung, nhất quán của các chiến dịch quảng bá; tồn tại quá nhiều hoạt động văn hóa, xã hội nhân danh phát triển du lịch; thiếu nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm du lịch và hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch…

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị

Trước tình hình đó, báo cáo đã đưa ra một số giải pháp  nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Theo đó, ngoài việc đã giải quyết được vấn đề visa cho khách tàu biển, ban hành Nghị quyết 92/2014/NQ-CP về việc giải quyết vấn đề môi trường du lịch và đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ cần quan tâm và hỗ trợ hơn nữa cho ngành kinh tế du lịch bằng những chính sách cụ thể như: tiếp tục miễn visa cho một số thị trường trọng điểm như Anh, Pháp, Đức, Úc… nhằm tạo ra bước đột phá ở các thị trường này; đổi mới chính sách thị thực nhập cảnh, bao gồm việc miễn visa cho khách du lịch của những thị trường trọng điểm của Việt Nam, miễn lệ phí visa cho tất cả khách du lịch vào Việt Nam trong vòng 6 tháng (từ tháng 7-12/2015), đề xuất chính sách visa chung cho 1 số nhóm nước; cho phép loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế (trong vòng 120h); triển khai phương thức lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu và triển khai loại hình visa điện tử (E-Visa); ban hành những chính sách thuế và tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nhằm khôi phục và tạo đà tăng trưởng…

Về phía TCDL cần tập trung nguồn lực để tổ chức một số chiến dịch tổng hợp thu hút khách quốc tế vào Việt Nam (thu hút mạnh hơn khách từ các nước ASEAN và phấn đấu cân bằng lượng khách inbound và outbound trong khu vực, thúc đẩy thu hút khách từ 3 thị trường hàng đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, có kế hoạch triển khai những chương trình xúc tiến mạnh mẽ với các thị trường đang đề nghị Chính phủ miễn Visa); hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ.

Toàn cảnh hội nghị

HHDL Việt Nam và hiệp hội du lịch các địa phương cũng cần có chương trình và kế hoạch riêng nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch, chương trình làm sạch môi trường, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch hoạt động mạnh mẽ hơn, tham gia tích cực hơn vào chương trình kích cầu nội địa và inbound, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác để xây dựng sản phẩm hấp dẫn…

Tham dự hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý du lịch các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp du lịch đã tích cực đưa ra những tham luận và đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng như tập trung vào các sự kiện du lịch, chương trình quảng bá quan trọng, tránh giàn trải; liên tục cập nhật những thông tin mới về du lịch Việt Nam; có chính sách quản lý và giá cả ổn định nhằm duy trì sự tăng trưởng ổn định khách du lịch; chủ động tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế; tập trung đầu tư cho các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo; nghiên cứu nhu cầu và xu hướng của du khách từ đó lựa chọn và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách… đồng thời khẳng định, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng chung tay cùng TCDL và HHDL hướng tới phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu nguyện vọng được Chính phủ và các cơ quan quản lý du lịch hỗ trợ trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách MICE ; cung cấp thông tin sớm về các chương trình xúc tiến cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tham gia chủ động và có hiệu quả hơn vào công tác quảng bá du lịch chung.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đánh giá cao những nỗ lực, sự đồng hành, chung sức của HHDL và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác xây dựng, thúc đẩy và xúc tiến du lịch. Phó Tổng cục trưởng ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời khẳng định TCDL sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch và tháo gỡ những khó khăn về thuế, đầu tư, cơ sở hạ tầng để cải thiện môi trường du lịch, hướng tới sự phát triển thịnh vượng của du lịch Việt Nam. 

Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình đã tổng kết những ý kiến đóng góp của các đại biểu, hứa sẽ đề xuất và kiến nghị lên Chính phủ nhằm sớm có những hành động thiết thực thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.


Phương Mai