Bảo tồn di sản nhà vườn Huế
Cập nhật: 15/05/2015
Nép mình giữa thiên nhiên, nhà vườn Huế là nét đặc trưng cộng đồng cư dân Huế, cũng là một điểm thu hút du lịch bên cạnh các di sản nổi tiếng khác.
 

Các vườn, bên trong là các nhà rường ở Huế đều là các công trình kiến trúc truyền thống theo kiểu 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái. Nhà và vườn ở đây có mối quan hệ hữu cơ, tạo thành một không gian văn hóa hoàn chỉnh. Nhà vườn kết hợp với thiên nhiên, di sản văn hóa địa phương và du lịch tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo để thúc đẩy phát triển du lịch. Nhà vườn truyền thống của thành phố Huế, Việt Nam là một kiến trúc đô thị độc đáo điển hình dựa trên thiết kế hài hòa với thiên nhiên và là ví dụ về kiểu thiết kế tòa nhà thụ động có tính đến điều kiện khí hậu của địa phương. Kiến trúc nhà vườn Huế tạo ra sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên, giữa nông thôn với thành thị tạo nên một sự quyến rũ ngọt ngào độc đáo về Huế. Những ngôi nhà vườn đặc trưng của Huế khác với các tỉnh thành khác của Việt Nam. Mặc dù số lượng các nhà vườn đã giảm gần đây, tuy nhiên, thúc đẩy sự phát triển nhà vườn có thể là một lựa chọn quan trọng của du lịch xanh và cũng để thúc đẩy phát triển thành phố thân thiện môi trường. Ở thành phố Huế hiện nay hơn một nửa trong số 2.000 nhà vườn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Các chủ nhà vườn thiếu nguồn vốn và kỹ năng cần thiết để duy trì, sửa chữa và tôn tạo các nhà vườn đang xuống cấp. Những điều này đã tạo áp lực cho các chủ nhà phải bán đi di sản của họ. Mặc dù đã có các chính sách hiện hành đối với việc bảo tồn nhà vườn ở Huế, nhưng các ngôi nhà vườn vẫn còn trong tình trạng hư hại, xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn như, mặc dù đã có kế hoạch để khôi phục lại 150 ngôi nhà điển hình có nguy cơ trở nên hư hại nghiêm trọng nhưng chỉ 52 ngôi nhà trong số này đã được khôi phục lại như hiện trạng ban đầu. 

Do đó, những giải pháp ưu tiên cho nhà vườn Huế nhằm phát triển du lịch bao gồm nhiều yếu tố. Trước hết cần phải nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của nhà vườn cho các chủ nhà vườn, cộng đồng và toàn xã hội và thành lập Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế, thành lập Ban quản lý nhà vườn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Huế và Hội đồng điều tra nhằm thực hiện kế hoạch, đánh giá, định giá và phân loại nhà vườn Huế. Bên cạnh đó cần quảng bá nhà vườn Huế trên phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các chiến dịch nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc bảo tồn, khôi phục và khai thác nhà vườn Huế cũng như khuyến khích các tổ chức và chủ nhà vườn tham gia vào các hoạt động như việc thiết lập các câu lạc bộ địa phương, nhóm nhà vườn, các hiệp hội, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa các nhà vườn Huế.

Để phát triển hơn nữa cần nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của nhà vườn cho các chủ nhà vườn, cộng đồng và toàn xã hội, tổ chức thường xuyên các tour du lịch đến nhà vườn, đặc biệt là tour thăm vườn cây ăn quả nổi tiếng của Huế, thúc đẩy hoạt động giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp, ngựa, xe xích lô, khi đi tham quan nhà vườn, hợp tác với các công ty du lịch để phát triển các tour du lịch với hình thức vận chuyển thân thiện với môi trường khi đi tham quan nhà vườn Huế.

Để bảo vệ nhà vườn Huế, mới đây tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ tài chính về bảo tồn nhà vườn Huế giai đoạn 2015 - 2020 thay thế cho chính sách cũ vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua. Người dân sở hữu nhà vườn khi tham gia đề án này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính với mức cao nhất là 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng nhà vườn loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3... Ngoài ra, chủ nhà vườn còn được hỗ trợ 100% lãi suất vay trùng tu nhà vườn, mức vay được hỗ trợ lãi suất cao nhất là 500 triệu đồng/nhà vườn. Ðề án bảo vệ nhà vườn và chính sách mới ban hành là một nỗ lực rất lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm phát triển đô thị bền vững cũng như bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa độc đáo và vô giá trên mảnh đất Cố đô. 

Di sản xanh