Du lịch Bình Định nỗ lực bứt phá
Cập nhật: 16/04/2015
Có nhiều cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo trải dài từ miền núi xuống tận đồng bằng nhưng Bình Định vẫn nhạt nhòa trên “bản đồ” du lịch Việt Nam.
 
Bãi tắm Hoàng Hậu, biển Quy Nhơn - Bình Định

Tỉnh Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, có lợi thế về giao thông, là cửa ngõ nối với Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Campuchia. Thế nhưng, nhiều năm qua, du lịch vùng đất của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với cảnh sắc thiên nhiên đẹp, hoang sơ tuyệt đẹp vẫn dậm chân tại chỗ như 1 tiềm năng. Tỉnh Bình Định đang thu hút đầu tư, tạo bước đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Có nhiều cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo trải dài từ miền núi xuống tận đồng bằng nhưng Bình Định vẫn nhạt nhòa trên “bản đồ” du lịch Việt Nam. Khách du lịch thưa thớt, hạ tầng du lịch không được đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 130 cơ sở lưu trú, trong đó phần lớn là chất lượng thấp, thiếu những khách sạn 4 sao, 5 sao đạt chuẩn quốc tế.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, trải thảm đỏ mời những doanh nghiệp du lịch có tiềm lực, để tạo sức bật cho ngành kinh tế "không khói" này.

Ông Anthony Borantin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minor International của Thái Lan, đơn vị vừa đầu tư của Tổ hợp khách sạn 6 sao, vốn đầu tư hơn 10 triệu đôla Mỹ cho rằng: trong tương lai Bình Định sẽ là điểm đến hấp dẫn: “Chúng tôi nghĩ, hiện nay Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và du lịch. Đây là cơ hội lớn để du lịch phát triển, vì vậy Tập đoàn đã đầu tư nhằm đón đầu cơ hội thuận lợi này”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội vốn đầu tư hơn 22 tỷ đôla Mỹ vào quy hoạch ngành chế biến lọc hóa dầu của nước ta đến năm 2025. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định và chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đang gấp rút triển khai các bước để sớm khởi động dự án. Đây sẽ là thời điểm hàng loạt dự án phụ trợ được triển khai trên địa bàn, tạo “cú hích” cho ngành du lịch của tỉnh này trong thời gian tới.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Nhóm cố vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho rằng: Hiện nay Bình Định đang thiếu con “sếu đầu đàn” trong ngành du lịch: “Phải quan tâm đầu tiên tới quy hoạch, không thể làm tự phát được. Khi quy hoạch rồi thì chúng ta quan tâm sự đồng bộ, trách nhiệm của chính quyền phát triển kết cấu hạ tầng bảo đảm cho du lịch phát triển. Phải có đầu tiên đột phá, tôi gọi là "Sếu đầu đàn" thì đàn chim sếu đi theo thì những doanh nghiệp nhỏ hơn người ta làm những thứ khác, kể cả bất động sản du lịch, kể cả các công ty lữ hành và nối kết trong nước, trong vùng và quốc tế”.

Xác định rõ thuận lợi và thời cơ, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Định đang thật lòng mời chào nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội làm ăn. Bên cạnh dự án Khu du lịch Hải Giang vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng đang triển khai, tỉnh này tiếp tục mời gọi 15 dự án lớn đầu tư du lịch trên địa bàn.

Cùng với thu hút đầu tư vào du lịch biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... du lịch gắn với nghiên cứu khoa học được xác định sẽ là sản phẩm riêng có, mang tính đột phá của địa phương này.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bình Định xây dựng Tổ hợp không gian khoa học với tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ đồng với hy vọng là cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Hạ tầng du lịch Bình Định còn nhiều yếu kém, nhất là những điểm đến, các khu du lịch. Tới đây tỉnh sẽ quyết tâm phải đầu tư. Ngay từ bây giờ, chúng tôi phải bắt tay vào việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đây là điểm yếu của du lịch Bình Định và phải tạo ra được sản phẩm khác biệt. Cái mà chúng tôi đang nghĩ đến là lấy khoa học để làm du lịch và lấy du lịch để làm điểm đến cho các nhà khoa học. Chúng tôi sẽ quyết tâm để tạo ra 1 khu đô thị khoa học, biến du lịch Bình Định thành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần”.

VOV Giao thông