Hành cung Lỗ Giang ở Thái Bình được phát hiện nhiều hiện vật cổ
Cập nhật: 09/01/2015
Theo kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học kết hợp với nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử, bước đầu các chuyên gia cho rằng khu vực đền Trần (Thái Lăng), Lăng Ngói thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, hay còn là hành cung Kiến Xương thời vua Trần Hiến Tông xưa.
 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học di tích hành cung Lỗ Giang do Bảo tàng tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 6/1.

Công trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tìm hiểu về di tích hành cung Lỗ Giang được thực hiện từ tháng 8/2014.

Với 6 hố khai quật tại khu vực Đền Trần (Thái Lăng) và khu vực Lăng Ngói tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại hình vật liệu kiến trúc có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ 13, thế kỷ 14.

Nhiều hiện vật, dấu tích có giá trị như dấu vết bó nền, móng trụ, sân gạch, các loại ngói mũi sen lợp thân mái, diềm mái trên gắn lá đề trang trí hình rồng, hình hươu.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cung Lỗ Giang hay còn gọi là cung Kiến Xương là nơi Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu, mẹ vua Trần Anh Tông, vợ vua Trần Nhân Tông từng sống và mất vào ngày 13/9/1293. Đây cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông.

Mặc dù là một hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa phủ Long Hưng (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định) và Thăng Long (Hà Nội), trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, vị trí của cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo và quy mô như thế nào vẫn là một bí ẩn.

Theo phó giáo sư - tiến sỹ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, những phát hiện khảo cổ học này là cơ sở khoa học minh chứng về vị trí chính xác của hành cung Lỗ Giang xưa đã từng ghi trong sử sách nằm trên mảnh đất xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà nay.

TTXVN