Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam
Cập nhật: 28/10/2014
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào ngày 01/11/2014, Lễ đón bằng công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Côn Đảo.
 

Ngoài các nội dung như công bố Công ước Ramsar, nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ nhận bằng công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar của thế giới, còn có nhiều hoạt động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về Công ước Ramsar và các giá trị mà khu Ramsar sẽ mang lại, qua đây, cũng là nhằm quảng bá hình ảnh của Côn Đảo, thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu đến với Côn Đảo.

Từ đầu năm 2014, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là 1 trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Tính đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 của Việt Nam. Vườn Quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới.

Nằm ở trung tâm quần đảo Côn Đảo, Vườn Quốc gia Côn Đảo cách bờ biển Nam Việt Nam khoảng 80km. Năm 1995, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, tại đây có trên 4.000ha rừng, bằng 81% tổng diện tích đảo nổi thuộc khu bảo tồn. Hiện nay, đã ghi nhận trên 1 nghìn loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo. Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã ghi nhận được 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Mặc dù số lượng loài không cao nhưng mật độ cá thể lại rất cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như sóc đen Côn Sơn. Riêng khu hệ chim Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học đã khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài bồ câu nicoba, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh và gầm gì trắng.

Hệ sinh thái biển Vườn Quốc gia Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Rừng ngập mặn có khoảng 31ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000ha.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu thêm về các dự án về biển và công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm.

Được biết, mỗi năm, Vườn Quốc gia Côn Đảo đón và phục vụ khoảng 1.500 du khách tham gia bơi, lặn ngắm san hô và khám phá các loại sinh vật biển. Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, sau khi được công nhận khu Ramsar của thế giới, sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về Công ước Ramsar và các giá trị mà khu Ramsar sẽ mang lại. Theo đó, khuyến khích cộng đồng sử dụng tài nguyên một cách bền vững bằng cách tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, chuyển đổi ngành nghề ít ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; khuyến khích và hướng dẫn ghe, tàu vận chuyển khách du lịch không thả neo trực tiếp trên rạn san hô, cỏ biển mà buộc vào các phao neo cố định.

ĐCSVN