Thái Bình: Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với du lịch biển
Cập nhật: 20/06/2014
Phát triển kinh tế biển là một trong năm trọng tâm cần tập trung tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới - ông Dương Văn Lễ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình cho biết.

Biển, mặc dù chưa phải là thế mạnh của “quê hương năm tấn”, song thời gian qua những giá trị kinh tế mang lại từ biển cho tỉnh Thái Bình không hề nhỏ. Chỉ tính riêng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải năm qua đã đạt hơn 6.000 tỷ đồng, bằng 23,4% giá trị sản xuất toàn tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước nâng lên, bình quân thu nhập đầu người năm 2013 đạt 26 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2012. Năm 2014, hai huyện phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng.

Để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, tỉnh Thái Bình đã và đang đẩy mạnh hoạt động du lịch biển. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đồng Châu (105ha), quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (1.618ha), Khu du lịch Cồn Đen (1.150ha). Các tuyến du lịch sinh thái biển kết hợp với tham quan các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề đã được hình thành và bước đầu đã thu hút khá đông du khách.

Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành (huyện Tiền Hải) và Cồn Đen (huyện Thái Thụy) nằm trong Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện trạng chung tại những khu du lịch sinh thái này là khá hoang sơ, với thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng… “Nếu được quy hoạch một cách bài bản và có chính sách đầu tư đồng bộ sẽ trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước” - ông Lễ cho biết.

Được biết, do ở vị trí cửa sông Hồng rất thuận tiện về giao thông đường sông nên Khu du lịch sinh thái Cồn Đen đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí (sân thể thao, khu trượt nước), khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh… Cũng theo quy hoạch, tại Khu di lịch sinh thái cồn Đen sẽ tổ chức các tour, tuyến kết nối với các khu rừng ngập mặn Thụy Trường, các khu du lịch kế cận Đồng Châu, Cồn Vành, các điểm du lịch dọc theo sông Trà Lý về thành phố Thái Bình, đi các điểm di tích lịch sử văn hóa đền, chùa, nhà thờ, khu thờ danh nhân văn hoá ở trong và ngoài tỉnh, du lịch đồng quê, đến các vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Riêng Cồn Vành sẽ được quy hoạch thành: Các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao và trung bình, được bố trí ven biển kết hợp với bãi tắm, có bể bơi; Khu vui chơi giải trí tập trung bao gồm điểm tổ chức đua thuyền, du ngoạn, thể thao và các loại hình giải trí đa dạng khác; Khu thể thao sân golf; Khu du lịch văn hoá tổng hợp được bố trí ở phía Đông - Nam; Khu rừng ngập mặn; Khu cây xanh được bố trí xen lẫn các khu chức năng, gắn với sông biển tạo ra vùng sinh thái đặc trưng...

Tỉnh Thái Bình cho biết, cùng với việc phê duyệt quy hoạch, tỉnh sẽ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư nhằm khai thác, phát triển du lịch.

Với sự ưu đãi của thiên nhiên và việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác khoa học hợp lý, trong tương lai không xa các khu du lịch sinh thái ở “miền quê lúa” sẽ hấp dẫn, phát triển bền vững, hài hòa, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020 khu kinh tế ven biển Thái Bình đóng góp 18-20% tổng thu nhập của cả tỉnh./.

ven.vn