Sức hút Mỹ Sơn
Cập nhật: 21/05/2014
Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Duy Xuyên) ngày càng khẳng định thương hiệu và sức hút mạnh mẽ không chỉ với du khách tham quan mà còn là địa chỉ hấp dẫn của sinh viên nhiều trường đại học trong và ngoài nước.
 

“Điểm đến” của sinh viên

Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, mỗi năm khu đền tháp Mỹ Sơn thường đón hàng chục đoàn sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu thực tập. Chỉ riêng năm 2013 đã có hơn 100 đoàn sinh viên đến với Mỹ Sơn. Ngoài sinh viên chuyên ngành về văn hóa, du lịch, khu di tích Mỹ Sơn cũng thu hút sự quan tâm của sinh viên các ngành khác như ngoại ngữ, địa lý, kiến trúc, mỹ thuật… “Mỹ Sơn hầu như tiếp đón không thiếu sinh viên ngành nào, rất nhiều sinh viên từ các nước Úc, Nhật cũng đã đến đây thực tập, nghiên cứu” - ông Lập nói. Thông thường, giai đoạn sau tết là thời gian có nhiều sinh viên đến đăng ký tham quan nghiên cứu nhất. Tùy theo ngành học và đề tài nghiên cứu mà sinh viên ở lại Mỹ Sơn có thể từ một tuần đến hai, ba tháng…

Thời gian qua, không chỉ các trường đại học trong tỉnh và khu vực miền Trung mà nhiều trường ở tận Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh như đại học Hùng Vương, đại học Phương Đông, đại học Sài Gòn, đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh… cũng đã đưa sinh viên về Mỹ Sơn tham quan thực địa. Thậm chí, một số trường còn đưa Mỹ Sơn vào chương trình thực tập là điểm đến bắt buộc của sinh viên chuyên ngành văn hóa, du lịch trước khi làm luận văn tốt nghiệp ra trường. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu - giảng viên ngành Quản trị du lịch và lữ hành trường đại học Phương Đông (Hà Nội), mỗi năm khoa Quản trị du lịch của trường tổ chức từ 3 - 4 đợt thực tập cho sinh viên năm thứ ba đến Mỹ Sơn. “Mỹ Sơn là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật của nền văn minh Chămpa mà khó nơi nào có được. Chúng tôi đưa sinh viên đến đây để các em trực tiếp cảm nhận những giá trị văn hóa của khu di sản nhằm bổ sung kiến thức thực tế vào chương trình học của trường” - bà Thu nói. Còn với các sinh viên, cảm nhận về khu đền tháp chính là sự hấp dẫn kỳ bí mà những tài liệu hay sách vở học trong nhà trường không thể lột tả hết được. “Tôi sẽ chọn Mỹ Sơn để làm luận văn tốt nghiệp, dù biết đây là đề tài không hề dễ dàng” - Bùi Đình Tuấn, sinh viên ngành Quản trị du lịch và lữ hành (Trường Đại học Phương Đông, Hà Nội) cho biết.

Tạo điều kiện tối đa

Nhiều năm qua, Ban Quản lý khu di tích Mỹ Sơn đã có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên tham quan, học tập, như miễn một phần vé vào cổng, phân công các bộ phận tham gia hỗ trợ, hướng dẫn giúp sinh viên có điều kiện hiểu sâu về di sản. Đặc biệt, trong những năm 2004 - 2006 đã có nhiều sinh viên các chuyên ngành khảo cổ, kiến trúc của trường đại học Kỹ thuật Milan (Ý) chọn Mỹ Sơn làm nơi thực tập nghiên cứu và cùng ở lại tham gia vào dự án “Bảo tồn nhóm tháp G”.

Theo ông Huỳnh Tấn Lập, sinh viên đến Mỹ Sơn thực tập ngày càng đông là minh chứng rõ nét, khẳng định sức hút của khu di sản. Vì vậy, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn luôn tạo điều kiện tối đa cho sinh viên thực tập, nghiên cứu. Tùy ngành học mà Ban Quản lý di tích có thể bố trí vào các bộ phận phù hợp như tổ hướng dẫn thuyết minh, tổ dịch vụ, tổ bảo tồn… Trong khoảng thời gian sau Tết Giáp Ngọ đến nay, hầu như tuần nào cũng có đoàn sinh viên đến Mỹ Sơn đăng ký tham quan, nghiên cứu. Cao điểm, có ngày Ban Quản lý đón số lượng sinh viên lên đến 200 người. “Trong số khoảng 14 nghìn lượt khách nội địa tham quan Mỹ Sơn quý I năm nay, sinh viên chiếm đến hơn 60%” - ông Lập cho biết. Những ngày này, đến Mỹ Sơn, dễ dàng bắt gặp từng nhóm sinh viên thực tập đang bận rộn với công việc của mình. Thực tập tại Mỹ Sơn là cơ hội rất tốt giúp sinh viên tiếp xúc trực tiếp với thực tế cũng như dễ dàng hình dung những công việc của chuyên ngành đã học. Trong 8 tuần thực tập tại Mỹ Sơn, nhóm gồm 5 sinh viên được bố trí vào tổ bảo tồn cùng tham gia công việc gia cố lối lên cửa tháp A1. Hơn nữa, qua thực tế sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ và công việc phải làm của một cán bộ bảo tồn. Với một di tích đặc thù như Mỹ Sơn, công việc này càng thêm đặc biệt, hấp dẫn.

Dù đã trải qua hơn nghìn năm nhưng những đền tháp Mỹ Sơn vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn chưa thể lý giải hết. Đó không chỉ là các giá trị về kiến trúc, mỹ thuật mà còn là chiều sâu văn hóa tâm linh mà tiền nhân đã gửi gắm vào từng viên gạch trên mỗi ngôi đền tháp. Điều đó giải thích vì sao sức hút Mỹ Sơn vẫn luôn mạnh mẽ với sinh viên khắp nơi.

Báo Quảng Nam