Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ
Cập nhật: 08/04/2014
Phú Thọ là nơi đặt kinh đô của nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trên miền đất này, còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa (DSVH), đặc biệt là các DSVH gắn với thời đại Hùng Vương. Vì vậy, trong những năm qua, Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo cụ thể, tích cực và hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản với một tầm nhìn mới vì sự phát triển bền vững...
 

Phú Thọ hiện có 1.372 di tích lịch sử văn hóa mà giá trị sâu sắc, to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhân văn đã được khẳng định. Các di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Làng Cả, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp các giá trị đặc biệt của văn hóa Việt Nam. Ðặc biệt, UNESCO đã công nhận hát xoan Phú Thọ là DSVH phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 14/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đến năm 2020" với mục tiêu Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm kinh tế vùng; là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ; giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng nội vùng và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành "Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam"...

Theo đó, tỉnh đã xây dựng Dự án "Phục dựng các lễ hội truyền thống tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010"; trong đó nhiều lễ hội là tâm điểm, đặc biệt là giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng. Lễ hội được tổ chức hằng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc của đồng bào cả nước đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Có thể nói, các DSVH từ thời Hùng Vương dựng nước luôn tồn tại song hành trong đời sống của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, của đất nước, bởi lẽ: đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cùng với hát xoan đã trở thành mối quan tâm của nhân loại, cùng với các DSVH khác đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Việc bảo tồn, khôi phục các lễ hội dân gian ngày càng hiệu quả. Nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học về DSVH phi vật thể đã được triển khai thực hiện; các tư liệu quý trong lĩnh vực DSVH phi vật thể đã và đang được tiến hành điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ đó, nhiều tư liệu quý về một số loại hình DSVH có nguy cơ mai một đã được kịp thời sưu tầm, lưu giữ, phục hồi; nhiều công trình, đề tài khoa học đã được đầu tư nghiên cứu với những giải pháp có tính thực tiễn như: Dự án "Ðiều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn múa Chuông, múa Rùa và một số diễn xướng dân gian liên quan đến lễ hội người Dao Phú Thọ"; Dự án "Ðiều tra, sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các diễn xướng dân gian người Mường ở Phú Thọ"... Kết quả nghiên cứu các dự án cùng những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã tạo sức sống mãnh liệt cho các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan như: Tết nhảy của dân tộc Dao quần chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi của dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, huyện Ðoan Hùng)...

Ðể huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngoài ngân sách của nhà nước, Phú Thọ đang tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhiều di tích tiêu biểu đã được tu bổ lớn, bảo đảm tính mỹ thuật và truyền thống như đền Mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, đình Hữu Bổ Thượng, chùa Bồng Lai... Sau khi được tu bổ, tôn tạo, công trình đã được chính quyền các cấp cùng với cộng đồng quản lý và phát huy giá trị một cách có hiệu quả, trở thành những địa chỉ, sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, phục vụ thiết thực cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Bên cạnh đó, tỉnh đã có cơ chế đãi ngộ cụ thể và đề nghị với các bộ, ngành tôn vinh các nghệ nhân trên tất cả các lĩnh vực như hát xoan, hát ghẹo, để những "báu vật nhân văn sống" trao truyền di sản, ngọn lửa đam mê trong bảo tồn và phát triển giá trị di sản, tạo nên sức sống mãnh liệt của DSVH trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Sau hơn hai năm hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, việc khôi phục và duy trì thường xuyên hoạt động của bốn phường xoan gốc được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cộng đồng nhận diện, bảo tồn, phát huy giá trị di sản như: khôi phục miếu Lãi Lèn; hỗ trợ trang phục, đạo cụ biểu diễn, duy trì kinh phí hoạt động, tổ chức các lớp truyền dạy hát xoan; giao lưu giữa các phường xoan, quảng bá hát xoan trong dịp lễ hội Ðền Hùng, trên sóng truyền hình quốc gia; đưa chương trình học hát xoan vào trường phổ thông các cấp... Các hoạt động trên đã làm cho nhận thức của cộng đồng về hát xoan được nâng cao, không gian hát xoan được mở rộng. Ðặc biệt, Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan Phú Thọ" giai đoạn 2013 - 2020, trong đó phấn đấu đưa hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí để hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ các hoạt động nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương, tổ chức các hoạt động lễ hội Ðền Hùng, các di tích thờ cúng Hùng Vương và liên quan (thờ cúng vợ, con, tướng lĩnh thời Hùng Vương) trên địa bàn toàn tỉnh đã được chú trọng. Các cuộc hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học: "Ðiều tra, nghiên cứu phục dựng và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu, sưu tầm các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và các tỉnh, thành phố khác có di tích thờ cúng Hùng Vương; làm căn cứ tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ để chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương áp dụng trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguồn kinh phí, phương tiện, nhân lực cần đầu tư, bố trí cho hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị di sản còn gặp không ít khó khăn. Nhiều nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của DSVH trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đôi khi đặt các mục tiêu dự án phát triển kinh tế chưa tính đến những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích... Công tác xã hội hóa phát huy giá trị di sản còn thiếu những chính sách, chế tài cụ thể; việc tổ chức khai thác di tích nhiều nơi chưa được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ...

Ðể nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển bền vững, trong thời gian tới, Phú Thọ xác định: tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về DSVH, luật Di sản văn hóa tới các tầng lớp nhân dân, chú trọng đặc biệt đến đối tượng thanh, thiếu niên gắn với việc thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sách, cơ chế về bảo vệ di sản. Trong đó, chú trọng chính sách đầu tư, chính sách sử dụng di sản, phát triển các nguồn lực kinh tế, du lịch, văn hóa một cách bền vững; đánh giá các biện pháp giáo dục, truyền thông về di sản, tìm kiếm các phương thức để xây dựng các chương trình hoạt động một cách khoa học, sáng tạo, thiết thực và sinh động. Ðẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH, gắn bảo tồn, phát huy DSVH với phát triển du lịch; gắn xây dựng văn hóa với xây dựng nông thôn mới và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020, Phú Thọ cơ bản hoàn thành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm đồng bộ: 100% số huyện, thành phố, thị xã có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa thể thao; 90 - 100% số xã, phường, thị trấn, khu dân cư có nhà văn hóa; 100% số di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 80% số di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được chú trọng bảo tồn, tôn tạo.

DSVH trên vùng đất cội nguồn dân tộc chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng DSVH Việt Nam. DSVH vùng đất Tổ đã đóng góp xứng đáng vào việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi người dân Phú Thọ đều có quyền tự hào về kho tàng DSVH mà ông cha đã trao truyền và càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy, để DSVH trường tồn và ngày càng tỏa sáng trong thời đại mới.

Nhân Dân