Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
(TITC) - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng và phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 - 1788). Những triều đại phong kiến về sau cũng như Đảng và Nhà nước đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở các đình, đền thờ Vua Hùng trên khắp cả nước, trong đó nghi lễ lớn nhất diễn ra tại khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ). Các làng có đình, đền thờ Vua Hùng ở Phú Thọ mỗi năm đều cử ra một Ban Khánh tiết gồm 6 – 9 người đàn ông để chủ trì và điều hành nghi lễ thờ cúng. Ban Khánh tiết lại chọn ra một Thủ từ có nhiệm vụ trông coi, hướng dẫn thực hành ở nơi thờ tự, quanh năm hương khói cho Vua Hùng.

Lễ vật chuẩn bị cho các buổi lễ (từ lễ mở cửa đến lễ rước, lễ đóng cửa đình/đền) đều được lựa chọn và chuẩn bị cẩn thận, chủ yếu gồm xôi/oản, hoa quả, rượu, vàng hương, gạo, muối, gà luộc (gà trống thiến), thịt lợn sống (lợn đen), bánh chưng và bánh dày…

Nghi thức cúng tế gồm có lễ dâng hương, dâng lễ vật, đọc chúc văn, cầu cúng, trình diễn các diễn xướng truyền thống như đánh trống đồng, hát Xoan, rước nước, lễ cầu đảo... Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ, thi bơi, bắt vịt trên ao/sông, quây lợn, trò trám, đánh phết, bắt chạch trong chum, trò tùng rí…

Với những giá trị độc đáo và riêng biệt, ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.

Phạm Phương