Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Nhiều du khách lần đầu đến Hà Nội đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của thủ đô, một vẻ đẹp tạo nên bởi dáng vóc nhỏ nhắn, hiền hòa, cổ kính của kiến trúc kết hợp hài hoà với mầu xanh của cây cối và hồ nước. Kiến trúc của Hà Nội mang đậm dấu ấn của lịch sử dài lâu, chùa chiền, đền miếu có khắp nơi trên đất Hà Nội. Không khí thanh tịnh được tạo ra chính bởi kiến trúc đơn sơ, giản dị, gần gũi với con người. Về mặt kiến trúc, Hà Nội có thể chia thành các khu vực: khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố cũ, các khu mới qui hoạch.

KHU PHỐ CỔ

Theo các nguồn sử liệu khác nhau thì khu phố cổ của Hà Nội ngày nay là nhân lõi của kinh đô Thăng Long từ khi mới thành lập, tức là cũng đã có tới gần ngàn năm tuổi.

Nói về địa giới không gian khu phố cổ thì có thể coi đó là một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía đông là đê sông Hồng, cạnh phía tây là Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, còn đáy là trục Hàng Bông-Hàng Gai-Cầu Gỗ. Tại khu phố này cho đến khi người Pháp đến, đều chung một dáng dấp, các phố chi chít dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của mặt hàng sản xuất kinh doanh tại những nơi đó: Hàng Ðường, Hàng Bạc, Hàng Bồ,...

Tất cả các ngôi nhà hai bên đường đều theo kiểu "nhà ống". Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Bố cục cũng tương tự như sau: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng. Tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Trên sân có bể cạn (trong có hòn non bộ, có cá vàng), quanh sân là cây cảnh, là giàn hoa. Gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối vào đó là khu phụ. Ða số là nhà một tầng lợp bằng những viên ngói nhỏ nhắn, với nét đặc trưng là hai bức tường hồi vượt lên khỏi mái, xây giật cấp như những bậc thang và đầu nóc là hai trụ.

Cũng có một số nhà xây thêm tầng gác nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ, nếu có thì rất nhỏ, vì các triều xưa cấm dân không được nhìn mặt vua từ trên cao xuống, khi vua ngự giá đi trên đường. Bên cạnh các nhà ống phải kể đến đình chùa, đền miếu rải rác trong nhiều đường phố. Những công trình này là nơi thờ của các làng thôn phường cũ, ngoài ra các công trình đó còn phản ánh gốc gác của cư dân kinh thành mà một bộ phận đáng kể là từ nhiều nơi khác di cư về đây làm ăn ...Mặt khác sự tồn tại của các đình miếu này còn là bằng chứng của tâm linh người Hà Nội cũ; bên cạnh sự hoà đồng với tự nhiên và cộng đồng xã hội, người Hà Nội còn luôn tìm cách hoà đồng với thế giới tâm linh, vì cùng với một không gian đô thị vật chất, vẫn tồn tại một không gian đô thị mang mầu sắc huyền thoại, thiêng liêng, ở đó có thể giao hoà cùng với quá khứ chứa chất sức mạnh tiềm ẩn.

Khu phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn xinh xắn , những con đường ấm áp người đi, những đền chùa mái cong mềm mại, lại còn cả những không gian, cây xanh mượt mà và ngọt ngào hương... tất cả đã làm nên một vẻ đẹp mà chỉ Hà Nội mới có.

KHU PHỐ CŨ

Cuối thế kỷ 19, từ năm 1883, người Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1886 đã có một qui hoạch cho một thành phố Hà Nội mới. Ban đầu tập trung cải tạo khu quanh Hồ Gươm. Trên sát mái nhà số 3 Hàng Khay, nay vẫn mang dòng chữ 1886 là năm xây dựng. Sau đó là việc lấp hồ ao, lấp cả sông Tô Lịch và rồi phá toà thành cổ (1894-1896) và toà luỹ đất. Các phố cổ được uốn lại cho thẳng hàng và thêm các công trình hạ tầng. Tại đây một số nhà cổ được xây lại kiên cố hơn vẫn theo kiến trúc cổ. Một số được xây theo kiểu "Tây" một hai hoặc ba tầng, chịu ảnh hưởng của vật liệu xây dựng mới và hình thức trang trí châu Âu.

Lần lượt xuất hiện các khu phố tây, một ở quanh thành cũ và một ở phía nam Hồ Gươm, cạnh đó là khu nhượng địa đã quy hoạch từ ngày đầu Pháp chiếm đóng. Ba khu này quen gọi là "khu phố cũ".

  • Khu nhượng địa hình chữ nhật mà hai cạnh dài là đường Bạch Ðằng và phố Lê Thánh Tông-Trần Thánh Tông, hai cạnh ngang là hai đoạn đầu phố Tràng Tiền và phố Nguyễn Huy Tự. Ðây nguyên là đồn thuỷ quân của tỉnh Hà Nội cổ, tháng 8/1875 bị buộc phải nhượng hẳn cho quân đội Pháp xây doanh trại, dinh thự và bệnh viện. Ðây là công trình kiến trúc kiểu "chính thống", mái lợp đá ngói đen, mặt có hành lang chạy bốn xung quanh, nhà cuốn hình cung. Dinh thự tổng tham mưu trưởng quân Pháp (nay là nhà khách của Bộ Quốc phòng) - 1874-1877. Bệnh viện Lanessan (nay là Quân y viện 108 và bệnh viện Hữu nghị)  được khánh thành năm 1893.

  • Khu thành cũ gồm các phố Phan Ðình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Ðiện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Ðường rộng, dài, vỉa hè cũng rộng với những hàng cây xanh rợp bóng. Phủ Toàn quyền nay là Phủ Chủ Tịch được xây dựng trong những năm 1900-1902, bề thế, hài hoà. Các biệt thự ở đây thường theo kiến trúc miền Bắc nước Pháp, mái dốc, các chi tiết trang trí ở cửa, ở nóc diêm dúa, tỉ mỉ.

  • Khu Nam Hồ Gươm là một hình chữ nhật mà hai cạnh dài nay là Tràng Thi - Tràng Tiền và Trần Hưng Ðạo, hai cạnh ngang là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ xong vì phải giải toả nhiều làng xóm nên chậm hơn. Nhà hát lớn xây năm 1902-1911 theo kiểu Opera ở Paris. Phố Tràng Tiền chủ yếu là của thương nhân người Pháp và một số người Hoa. Một số công sở có quy mô lớn như Công ty hỏa xa Vân Nam (nay là trụ sở Tổng công đoàn ở ngã ba Trần Hưng Ðạo-Quán Sứ) được xây dựng xong năm 1902, trường đại học ở phố Lê Thánh Tông năm 1904, Phủ Thống sứ (nay là khách Chính phủ số 10 Ngô Quyền năm 1919). ở khu này đa số cũng là biệt thự nhưng mái không dốc, nhiều cửa, theo kiến trúc miền Nam nước Pháp.
    Ở cả ba khu trên, tới những  năm 20 và 30 xuất hiện các công trình kiến trúc theo xu hướng kết hợp phong cách á đông một số giá trị thẩm mỹ cao như Viện bảo tàng Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử) 1928-1932, Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao, 1929-1931), Viện Pasteur 1930, .... Ðây cũng là một quỹ đô thị rất đặc trưng, quý gía của Hà Nội:
     

    • Hệ thống quy hoạch phố xá, quy mô và tỷ lệ kiến trúc của các công trình ăn nhập với cơ thể đô thị Hà Nội vốn có.

    • Hầu hết các loại hình công trình được xây cất ở các đường phố này đều biểu hiện của những tìm tòi trong kiến trúc, đặc biệt theo hướng thích nghi của môi trường truyền thống và thiên nhiên của Hà Nội, hầu hết được thiết kế với sự chín chắn và lựa chọn cao về thẩm mỹ, dù chúng được làm theo phong cách nào đi nữa.

    • Các đường phố xây dựng vào thòi này góp phần lớn trong việc tạo lập ra bản sắc kiến trúc đô thị của Hà Nội, một thành phố hài hoà, xinh đẹp, xanh tươi; một thành phố mang nhiều tính nhân văn.

KHU THÀNH CỔ

Nằm ở khoảng giữa của Hồ Tây và Hồ Hoàn Kiếm là khu thành cổ Hà Nội. Thành Hà Nội cổ được xây dựng từ thế kỷ 11, đã nhiều lần bị phá huỷ, xây lại rồi bị tàn phá. Lần tàn phá cuối cùng là khi quân Pháp tấn công Hà Nội vào cuối thế kỷ 19. Toàn bộ tường thành và các cung điện cổ đã bị phá huỷ chỉ còn lại một vài di tích. Trên phố Phan Ðình Phùng hiện nay còn cửa Bắc của  thành xây bằng đá tảng và gạch xây rất kiên cố. Trên bờ tường còn dấu vết của đạn đại bác khi Pháp tấn công.

Cột cờ thành Hà Nội xây năm 1812 hiện nằm trên đường Ðiện Biên Phủ, cao 40m gồm ba nền thềm rộng và tháp cổ hình lăng trụ, bên trong có cầu thang xoắn ốc dẫn lên kỳ đài. Trong thành cổ chỉ còn dấu tích của các nền cung điện. Ở phía  nam thành cổ Hà Nội, còn lưu lại một phần kiến trúc của trường đại học đầu tiên ở Việt Nam: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cũng được khởi dựng vào đầu thế kỷ 11 dưới thời nhà Lý. Khuê Văn Các là một cổng đẹp và độc đáo về kiến trúc. Người Hà Nội thường lấy hình ảnh của Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Khuê Văn Các, Cột cờ làm biểu tượng của thành phố thủ đô ngàn năm văn hiến.

KIẾN TRÚC HÀ NỘI NAY

Từ mười năm trở lại đây, thành phố được mở ra với các đường Giải phóng, Nguyễn Văn Cừ, Láng Hạ, Ngọc Khánh, Thái Hà. Khu biệt thự ven Hồ Tây ... với khối nhà lớn cao tầng của các cơ quan xen kẽ với nhà của tư nhân mọc lên nhanh chóng nhưng thiếu qui hoạch kiến trúc tổng thể. Hà Nội đang trong thời kỳ bùng nổ về xây dựng, bộ mặt kiến trúc thay đổi hàng ngày. Sau khi hoàn thành mấy chục khối nhà cao tầng này sẽ làm thay đổi hình ảnh của Hà Nội. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ mở rộng với nhiều dự án lớn như các khu Nam cầu Thăng Long, Bắc cầu Thăng Long. Du lịch Hồ Tây... với sự hợp tác và đầu tư của nước ngoài.

Tuy nhiên việc giải quyết các vấn đề của kiến trúc hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn vẻ đạp kiến trúc quý giá vốn có của Hà Nội đang là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn.

CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TÔN GIÁO TÍN NGƯỠNG

Một trong những thể loại di sản kiến trúc có giá trị của đô thị Hà Nội là các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Công trình chủ yếu được làm bằng gỗ, đá hay gạch. Kiến trúc có mái ngói với mái cong ở bốn góc hoặc mái ngói dốc thẳng với hai đầu hồi chắn bởi tường xây có các trụ biểu trang trí là đặc trưng cho hình thức thể loại kiến trúc này.

Một trong những thể loại di sản kiến trúc có giá trị của đô thị Hà Nội là các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng. Công trình chủ yếu được làm bằng gỗ, đá hay gạch. Kiến trúc có mái ngói với mái cong ở bốn góc hoặc mái ngói dốc thẳng với hai đầu hồi chắn bởi tường xây có các trụ biểu trang trí là đặc trưng cho hình thức thể loại kiến trúc này.

Kiến trúc Thiên chúa giáo ở Hà Nội chủ yếu kiến trúc tôn giáo phương Tây.

Các chùa chiền:

Đền Ngọc Sơn

Trước khi Hà nội là một trung tâm chính trị (từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, với triều đại nhà Tiền Lý) thì Hà Nội đã là một trung tâm phật giáo với các thiên phái danh tiếng. Song phải đến thế kỷ 11, với sự xuất hiện của kinh đô Thăng Long, và triều Lý lấy Phật giáo làm quốc giáo thì chùa chiền, thiền viện, sư tăng ở Thăng Long - Hà Nội phát triển chưa từng thấy. Rất nhiều chùa được xây cất ở Thang Long như chùa Hưng Thiện, chùa Vạn Tuế, chùa Thiền Quang, chùa Thiên Ðức và hàng chục ngôi chùa khác được xây vào đời vua Lý Thái Tổ trên đất Thăng Long. Chùa chiền là nơi tôn nghiêm và linh thiêng, là nơi gửi nhờ lòng tin của toàn thể cộng đồng. Một số ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Thăng Long-Hà Nội:

  • Chùa Bà Ðá
  • Chùa Kim Liên
  • Chùa Láng
  • Chùa Một Cột
  • Chùa Quán Sứ
  • Ðền Quan Thánh
  • Chùa Trấn Quốc

Chùa: Chùa là nơi thờ Phật. Bố cục mặt bằng và kết cấu của chùa ở Việt Nam tương tự như đối với đình và đền. Chùa được đặt ở nơi yên tĩnh, có cảnh quan đẹp, nhiều cây cốiBố cục mặt bằng của chùa bao gồm một nếp nhà 5 hay 7 gian, sân và tam quan, đôi khi trên tam quan có gác chuông. Chùa có thể được bố cục như đình với mặt bằng chữ Ðinh (J), chữ Công (I) hoặc chữ Nhị (=). Phía trong chùa gồm 3 không gian chính: là tiền đường, hậu đường, chính điện. Phía sau chùa có điện thờ các nhà sư đã mất và các gian ở của các sư đang trụ trì.

Đền Quán Thánh

Ðền: Ngày nay,  trong tiếng Việt đền là nơi thờ thần đạo Lão được gọi là Quán. Một trong các ngôi đền nổi tiếng nhất là đền Quán Thánh nằm bên hồ Trúc Bạch. Ðạo Lão đã kết hợp với một số tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc như tục thờ cúng tổ tiên, thờ thiên nhiên... và đôi khi kết hợp với cả Phật giáo và Khổng giáo.

Ðền thờ đạo Khổng gọi là Văn Miếu, văn tử hay văn chỉ, tuỳ theo vị trí của chúng ở thành phố hay ở làng. Ví dụ điển hình nhất của thể loại công trình thờ đạo Khổng là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hình dáng kiến trúc và cách sắp xếp của đền cũng tương tự như đình và chùa, song đền thường nhỏ hơn.

Các hình thức trang trí trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cổ truyền:
 

Những hình thức trang trí thường được thấy trên đỉnh mái, ở các đầu hồi, mũi rầm, kết cấu mái, bình phong và các vách ngăn bên trong (chạm khắc gỗ). Chủ dề trang trí rất phong phú như chữ Hán, các đồ vật có tính tượng trưng, cây cối, động vật, trang trí hình học. Trong các chi tiết trang trí này có 4 con vật có sức mạnh siêu nhiên: long, ly, quy, phượng.

Ở cổng vào và ở các nơi trang trọng và ngoài các đình, đền, chùa, ta thấy các tấm hoành phi và câu đối được viết bằng chữ Hán nôm để biểu đạt một tư tưởng, một lý tưởng, một phương châm hay một ngạn ngữ.